Tham nhũng – chủ đề dễ tạo sóng dư luận

(Dân trí) - Thở than “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” mà diễn đàn vẫn luôn dậy sóng mỗi khi có thông tin nào dễ gợi liên tưởng tới 2 từ “tham nhũng”. Mới đây là chuyện về tài sản của 1 vị giới chức đã nghỉ hưu, số này nói “bình thường", số khác "rất ngờ vực"…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Lý giải cho sự quá nhạy cảm với chủ đề tham nhũng, Đoàn doan@yahoo.com nêu rõ:

 

“Vì VN quá nhiều vụ tham ô rồi. Dân thấy hầu như ai là quan chức cũng giàu cả, nên thấy quan chức quá nhiều tiền là nghĩ ngay đến nguồn tiền không minh bạch, theo tôi cũng là đúng thôi!”

 

Lật lại vấn đề và cũng là trả lời cho những “câu hỏi xoáy” ngược lại về quyền làm giàu chính đáng của mỗi người dân, bao gồm cả cán bộ giới chức, Nguyễn Biện nbien@yahoo.com phân tích:

 

“Làm giàu chính đáng cũng phải tùy theo từng lĩnh vực, nhưng có lẽ nếu xuất phát từ SXKD và tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thì là điều đáng trân trọng nhất. Còn đối với trường hợp như ông Truyền thì không hiểu ông có trang trại cho thuê  hoặc tổ hợp SXKD nào không? Còn nếu làm giàu vì vụ lợi qua đề bạt, chạy chức, chạy cấp… thì rất đáng phê phán. Yêu cầu cơ quan Đảng và Nhà nước sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ khối tài sản của ông Truyền do đâu mà có?”

 

Nguyễn Tiến tiennguyen.45@gmail.com nhấn mạnh:

 

“Tôi cho rằng đất nước ta phải kiểm tra tất cả những người giàu lên nhanh chóng mà không sản xuất, từ đó sẽ tìm ra được tất cả chân tướng tham nhũng. Ví dụ như với một ông giám đốc xây dựng tư nhân đấu thầu giá thấp, xây xong công trình giàu lên bất thường thì phải xem lại:

 

- Có điều chỉnh giá lại sau đấu thầu không?

 

- Có giảm khối lượng không ...?

 

Chúng ta ủng hộ những người làm giàu chính đáng, nhưng có khung hình phạt với những người làm giàu không chính đáng và cần phải xử lý nghiêm minh. Cũng cần có khung hình phạt với các công ty móc nối, lợi dụng các cơ quan Nhà nước để làm giàu không chính đáng từ sự móc nối, hoặc từ sự tham lam hay kém cỏi (chỉ thấy lợi trước mắt) của cán bộ đảng viên cơ quan Nhà nước, hoặc lợi dụng chế độ chính sách để tư lợi. Tất cả cũng phải chịu tội như nhau”.

 

Nguyen Thi Hai haint@yahoo.com nêu thêm ý kiến nhận xét về những nơi có thể là mảnh đất màu mỡ cho các giới chức “làm giàu không khó”:

 

“Công tác tổ chức cán bộ luôn là nơi dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, mua bán chức vụ đối với tất cả các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp ông Truyền ký 22 quyết định trong 1 ngày “nhạy cảm” như vậy, nhưng có tìm trong hồ sơ thì chắc cũng… chẳng có gì vì việc thực hiện giấy tờ theo qui trình quá dễ dàng. Tôi thấy quy trình kiểm tra, kiểm soát và quản trị của chúng ta có vấn đề, nên không thể nào ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng”.

 

Trần Minh tranminh@gmail.com liên hệ mối nghi ngờ chung của dư luận với chính kinh nghiệm bản thân:

 

“Chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) ông Truyền ký bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 ký bổ nhiệm 22 người, theo tôi nghĩ, 2 ngày này chắc cũng… dư sức xây biệt thự rồi. Cấp vụ đâu phải chuyện đùa! Vợ mình trước xin đi dạy học trường công mà “chạy” mấy chục triệu còn không được nữa kìa. Giờ xin vào cơ quan nhà nước, nhất là mấy cơ quan “ngon” (có nhiều “chồi, lộc”) khó khăn và tốn kém lắm, có tiền chưa chắc đã xin được, mà còn phải quen biết. Điều này dân còn biết, nói gì mấy ông cán bộ? Mình nhớ có người quen vợ ông thanh tra giao thông của tỉnh nói: xin việc là dễ ăn tiền nhất, vì xin được chẳng ai đi nói ra tên người xin cho mình….”

 

Lê Xuân Thuỷ lexuanthuy1962@yahoo.com “đánh động”:

 

“Tôi nghĩ, việc kiểm tra nguồn gốc của ông Truyền là lẽ đương nhiên. Không chỉ ông Truyền mà các quan chức khác cũng cần như thế cả, vì chức năng KIỂM TRA của Đảng lâu nay tôi thấy hơi bị ... lơ là. Thường họ chỉ kiểm tra những gì mà cấp trên có yêu cầu, như thế thì càng thiếu sót và khiến cho tham nhũng phát triển. Tôi nhận thấy những người trong ủy ban kiểm tra các cấp thường thiếu tính nghiệp vụ và sợ... va chạm, thậm chí né trách... Nhiều vị trước khi chuyển công tác hay nghỉ hưu cũng ''bổ nhiệm '' rất nhiều thân cận hay “cá kiếm” khá nhiều trước khi “hạ cánh”. Nhưng chưa thấy có ai bị kỉ luật cả, chỉ vì họ được kí “theo... thẩm quyền”, “theo luật định”!!!???”

 

Chung Huy70:  chung70@yahoo.com chốt lại vấn đề:

 

“Đảng ta đang thể hiện tích cực phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy cán bộ, lấy lại lòng tin của nhân dân. Tôi mong hãy bắt đầu điều tra nghiêm túc từ vụ việc này, để từ đó sẽ có thể dẫn tới nhiều quan chức có tài sản bất minh nữa. Vì sao trong thời gian qua tham nhũng xảy ra thật sự nghiêm trọng, phá hoại kinh tế đất nước, giảm lòng tin của dân vào bộ máy công quyền, hạn chế đường lối của Đảng đi vào cuộc sống…? Theo tôi, cũng có nguyên nhân xuất phát từ cách làm việc kém hiệu quả của các cơ quan thanh tra. Dân thấy có hiện tượng làm ngơ, bao che, dung túng, tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm…  để cho tệ nạn tham nhũng lộng hành. Trong khi đó cán bộ lại giàu lên nhanh chóng, thử hỏi tiền ở đâu ra nếu không vì những hành động tư lợi trên? Hãy làm thật mạnh, thật nghiêm, kiểm tra lại toàn bộ tài sản của họ và cả con cháu họ sẽ rõ”.

 

Chính vì vẫn còn những chủ đề được cho là “nhạy cảm” không được làm sáng tỏ, khiến dân chưa thấy được tính công khai và sự minh bạch… nên bao nỗi ngờ vực và khả năng suy diễn rất có thể sẽ đẩy vấn đề đi quá xa, vẫn có đất để… liên tục phát triển. Mà  muốn dư luận được chữa khỏi “căn bệnh” ngờ vực này để không còn bị những tác động tiêu cực dẫn tới liên tục gây sóng gió, “ném đá”… trên các diễn đàn dư luận, xem ra cũng đâu có gì là khó nhỉ!? Cây ngay chẳng sợ chết đứng, vàng thật sợ gì thử lửa...!

 

Khánh Tùng