1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tham nhũng ở cơ quan chống tham nhũng là rất nguy hại

(Dân trí) - “Thực tế đã tham nhũng ở bất kỳ chỗ nào trong bộ máy nhà nước đều nghiêm trọng cả nhưng đặc biệt những cơ quan chịu trách nhiệm trước đảng thực thi phòng chống tham nhũng mà có vấn đề thì lại càng nguy hại.”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Trước sự việc một số quan chức sau khi về hưu để “lộ” ra khối tài sản “khủng” khiến dư luận băn khoăn về nguồn gốc của nó. Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đề nghị cơ quan nhà nước phải làm rõ khối tài sản đó có phải của người từng giữ chức cao trong bộ máy nhà nước hay không? Nếu đúng thì phải xem có hợp pháp không?...

“Không phải về hưu là đã “hạ cánh” an toàn” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói

“Không phải về hưu là đã “hạ cánh” an toàn” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói

Một thời gian sau khi về hưu liệu những người từng là quan chức trong bộ máy nhà nước có thể kiếm đủ tiền xây biệt thự, xe sang không, thưa ông?

Trước phản ánh của dư luận về vấn đề này tôi cũng thấy phân vân. Nhưng với một người từng là cán bộ cao cấp thì hết sức nghiêm trọng. Nếu đúng như vậy thì cần phải làm cho đến nơi, đến chốn, điều tra một cách thận trọng xem thông tin báo chí nêu như vậy có chính xác hay không.

Đối với người về hưu tài giỏi đến mấy sau vài ba năm cũng không thể có được khối tài sản lớn như dư luận phản ánh. Tài sản đó phải có từ khi còn đương chức. Tuy nhiên, chúng ta cũng không vội đưa ra kết luận người có khối tài sản đó mà cơ quan chức năng phải vào cuộc để họ chứng minh nó hợp pháp hay không. Nhưng nếu người có khối tài sản đó không giải trình được thì chắc chắn có vấn đề.

Nếu khối tài sản đó có từ khi còn đương chức thì nó phải được ghi rõ trong bảng kê khai tài sản của mỗi công chức, viên chức trong cơ quan?

Theo tôi, những người tham nhũng, không bao giờ người ta ôm hết tài sản trong bụng cả. Họ sẽ tẩu tán tài sản, hợp lý hóa cho các đối tượng khác.

Mục đích của việc kê khai tài sản là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kê khai tài sản vừa qua cũng không thực chất. Tôi nói làm chỉ mang tính hình thức thì vẫn còn nhẹ vì kê khai xong lại giấu kín, không công bố thì nhân dân biết đâu mà giám sát. Điều đó càng tăng thêm sự nghi ngờ như những trường hợp dư luận phản ánh.

Như các trường hợp dư luận phản ánh gần đây thì ông có lo ngại tiêu cực xảy ra đúng cơ quan phòng chống tham nhũng hay không?

Nếu tham nhũng lại rơi cả vào những cơ quan có trách nhiệm phòng chống nó là vấn đề không phải mình tôi lo ngại mà cả đất nước, toàn dân lo ngại. Thực tế đã tham nhũng ở bất kỳ chỗ nào trong bộ máy nhà nước đều nghiêm trọng cả nhưng đặc biệt những cơ quan chịu trách nhiệm trước đảng thực thi phòng chống tham nhũng mà có vấn đề thì lại càng nguy hại. Nó giống như tôi là một anh Tư lệnh Quân khu 4 mà hư hỏng thì làm sao điều hành cả quân khu hơn 3 vạn quân trong sạch.

Để giám sát được họ phải có một cơ quan cấp trên giám sát. Cụ thể ở đây là bộ máy của đảng - những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước phải giám sát việc này. Nếu để những người trong bộ máy phòng chống tham nhũng hư hỏng thì trước hết cơ quan cấp trên cơ quan này phải chịu trách nhiệm.

Đối với những quan chức đã về hưu, khi dư luận phát hiện khối tài sản nhiều nhanh một cách “bất ngờ” liệu có xử lý được họ hay không hay đã “hạ cánh” là an toàn?

Nếu khối tài sản của anh làm ra trong thời gian nghỉ hưu thì không sao. Nhưng tài sản đó nếu chứng minh được dính dáng đến tiêu cực, tham nhũng trong quá trình đương chức thì anh nghỉ hưu chưa phải là đã hết. Nghĩa là không có chuyện “ăn cắp” xong rồi “hạ cánh” an toàn. Chúng ta vẫn phải điều tra, truy cứu trách nhiệm những người này theo pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)