1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phải xem xét tận gốc tài sản ông Truyền được... “người thân tặng”!

(Dân trí) - “Ông Truyền nói tài sản của con và chị em tặng cũng phải truy đến nơi, do đâu mà họ có. Nếu là bán bia, kinh doanh thì cũng phải xem có trốn thuế không, có vi phạm pháp luật không…”, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, rất hoan nghênh nếu ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ sẵn sàng giải trình với cơ quan chức năng về nguồn gốc tài sản của mình do đâu mà có.

Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Về hưu mới “lộ” ra tài sản lớn là không bình thường

Từng là “công bộc” của dân trong cơ quan hành chính sự nghiệp, ông cảm thấy thế nào khi dư luận phản ánh về khối tài sản lớn của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền?

Về một chừng mực nào đó cũng là cái mừng cho người ta. Nhưng điều xã hội quan tâm là làm giàu bằng con đường nào. Nếu họ là cán bộ, công nhân, viên chức còn làm việc thì có cơ quan giám sát, khi nghỉ hưu rồi cũng có tổ chức quản lý yêu cầu giải trình về khối tài sản đó do đầu mà có.

Khối tài sản của ông Truyền tăng nhanh một cách “bất ngờ” sau khi về hưu như dư luận phản ánh có phải là điều bất bình thường hay không?

Nếu khối tài sản đó được kê khai rõ ràng thời còn làm việc thì không có vấn đề gì. Còn trong quá trình làm việc tỏ ra thế này thế khác, nhưng đến khi về hưu mới bộc lộ ra là điều không bình thường. Vấn đề ở đây tôi thấy ông Truyền sẵn sàng giải trình với cơ quan chức năng là việc rất hoan nghênh.

“Nghỉ hưu cũng có tổ chức quản lý chứ đâu phải là đã hết trách nhiệm. Nếu có yêu cầu thì họ phải giải trình, giải thích nguồn gốc tài sản do đâu mà có”, - ông Thuận nói.

Trao đổi với báo chí nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong khối tài sản đó ông chỉ có căn nhà còn đất là của con trai, đồ đạc cũng ông chỉ có một phần, phần còn lại là do chị, em tặng. Liệu cách giải thích đó có thuyết phục không, thưa ông?

Muốn nói gì cũng phải có chứng cứ rõ ràng. Ông Truyền nói tài sản là của con và chị, em tặng cũng phải truy đến nơi, đến chốn do đâu mà họ có. Nếu là bán bia, kinh doanh thì cũng phải xem có trốn thuế không, có vi phạm pháp luật không…

Thực tế những người chủ định tham ô, tham nhũng họ không bao giờ để tài sản bên người mà tìm cách tẩu tán, hợp lý hóa cho đối tượng khác. Cũng có trường hợp khi phát hiện khối tài sản lớn thì họ lại thanh minh là do anh em họ hàng tặng?

Vì vậy, chúng ta phải điều tra làm rõ khối tài sản đó do đâu mà có. Nếu là cho, là tặng thì có ơn nghĩa gì mà phải “đền ơn” như vậy!

Cơ chế nhập nhằng không tham nhũng mới lạ!

Với đồng lương của cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay, theo ông họ có thể mua biệt thự, xe hơi hay không?

Thời còn làm việc tôi đã đề nghị lương cũng được trả theo cơ chế khoán quản hết. Cỡ những ông như Bộ trưởng trả một tháng lương khoảng 100 triệu, cấp dưới trả ít hơn. Vậy người làm một nhiệm kỳ trả khoảng 6 tỷ, nếu ông chi tiêu tiết kiệm hết nhiệm kỳ mà số tiền đó vẫn còn dôi dư thì mua ô tô, nhà cửa thoải mái vì đó là tiền của ông.

Với cơ chế nhập nhằng như bây giờ không tham nhũng mới là lạ. Tiền bạc để trước mắt ai lại không vơ, đất đai ai lại không mê… Có nghĩa là cơ chế không rõ ràng sẽ tạo ra kẽ hở cho tham nhũng.

Biệt thự được coi là của ông Trần Văn Truyền
Biệt thự được coi là của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: TPO)

Như ông nói nếu cán bộ, công chức, viên chức còn làm việc thì có cơ quan giám sát họ thông qua kê khai tài sản. Vậy tại sao chúng ta vẫn để nhiều đối tượng tham ô, tham nhũng trong một thời gian dài mới phát hiện được, cũng có trường hợp đến khi về hưu báo chí vào cuộc mới bị điểm mặt, chỉ tên?

Vấn đề đặt ra trong thời gian vừa qua là kê khai nhưng không công khai. Kê khai lại đút trong ngăn kéo, coi đó là bí mật công tác, ai động đến nó có thể bị kỷ luật, thậm chí truy tố. Cái đó theo tôi là không bình thường! Vì vậy, có người đương chức con cái họ giàu một cách không bình thường - có hàng trăm tỷ trong tay. Còn nhiều người về hưu tưởng rằng đã “thoát” rồi nên mới thế này, thế khác.

Còn nếu kê khai tài sản mà công khai cho người dân biết thì việc giám sát tài sản của quan chức rất dễ dàng. Nếu tài sản của ông nào tự nhiên “phình” ra là dấu hiệu không bình thường. Chống tham nhũng là “chống giặc” nội xâm - vậy áp dụng biện pháp phê và tự phê thì làm sao “chống giặc” được, chúng ta phải có thứ vũ khí khác.

Như những gì dư luận phản ánh thời gian qua, vậy ông có lo ngại chính cơ quan phòng chống tham nhũng lại có những tiêu cực không và làm cách nào để giám sát được họ?

Tôi cho đó không phải là lo ngại, mà nó là tính tất yếu của cơ chế giao cho họ quá nhiều quyền mà không bị kiểm soát, không có giải trình. Chủ tịch Quốc hội cũng đã hỏi rồi “có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không”. Để giám sát họ theo tôi không còn cách nào khác phải công khai tài sản trên báo chí.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm