Vô hiệu hoá những “phép thuật hô biến”

(Dân trí) - Chiều 1/10, ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM nói với báo chí rằng, địa phương này đang xử lý 5.000m2 đất vàng ở 8-12 Lê Duẩn (Quận 1), sau khi có kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Vô hiệu hoá những “phép thuật hô biến” - 1

Cụ thể, Sở Tài nguyên – Môi trường phụ trách việc thu hồi, tổ chức đấu thầu lại khu đất này. Và đáng chú ý là Sở Nội vụ được giao tham mưu kế hoạch tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan, kể cả các cán bộ nhiệm kỳ trước đã chỉ đạo, xử lý dự án chưa đúng pháp luật.

Theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó thì việc UBND TP không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn, chưa nhận được sự phản hồi từ các cơ quan chuyên môn đã chấp thuận cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến 4 công ty chuyển nhượng kiếm lời gây giảm nguồn thu cho ngân sách; giảm tỷ lệ cổ phần góp vốn của nhà nước từ 50% xuống còn 20%. Việc làm này có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Nếu theo tính toán của Thanh tra Chính phủ thì nguồn thu của ngân sách Nhà nước bị giảm là rất lớn khi mà giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại khu đất số 8 Lê Duẩn (3.433m2) được duyệt chỉ là 621,7 tỷ đồng, song nếu đấu giá toàn bộ 4.896 m2 khu đất có 3 mặt tiền này thì sẽ thu về được 2.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, con số chính xác sẽ phải chờ đến khi khu đất này được thu hồi và đấu thầu lại, dẫu vậy, có thể thấy được những thiệt hại do tình trạng giao đất công giá “bèo” không qua công khai minh bạch là không thể xem nhẹ.

Vấn đề còn nằm ở chỗ, dù là do Nhà nước hay tư nhân khai thác thì điều quan trọng nhất là mảnh đất đó cũng cần phải được sử dụng đúng và xứng với giá trị. Như trường hợp ở trên, được đánh giá “đất vàng” mà doanh nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng lại chỉ làm bãi giữ xe. Nghĩa là, xét về lợi ích kinh tế thì doanh nghiệp và cả nền kinh tế chẳng được lợi lộc gì. Ấy thế mà chẳng hiểu sao tình trạng này lại khá phổ biến hiện nay? Họ chờ đợi gì ở những khu “đất vàng” hoang hoá như vậy? Chẳng phải là một sự lãng phí khủng khiếp hay sao?

Thất thoát từ “đất vàng” còn xảy ra tại những vụ cổ phần hoá với mức định giá khó tin. Nói đúng hơn là giá trị doanh nghiệp bị dìm xuống, thậm chí có trường hợp chỉ có “0 đồng”. Dân gian có câu nói chệch từ định luật bảo toàn năng lượng rằng, “tiền không mất đi mà chỉ chuyển từ người này sang người khác”. Vậy, sau những phi vụ “phù phép” đó, tiền sẽ vào túi ai?

Theo phản ánh từ báo Dân trí, ông Đinh Duy Vượt, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã nói trên nghị trường: “Nhân dân rất bất bình, thậm chí là phẫn nộ, bởi nguồn lực cực lớn của đất nước là đất đai đang được sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Những lô đất vàng, đất bạc rơi vào các doanh nghiệp bạch tuộc. Họ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà chỉ sang nhượng dự án, hoặc phân lô bán nền, làm thất thu ngân sách Nhà nước”.

Đại biểu này còn thẳng thắn chỉ ra việc “một số doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của các quan chức cùng cộng sinh, thâu tóm chiếm đoạt đất đai bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất”. Đồng thời đề nghị “cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Trung ương, từ đó giải quyết được tận gốc vấn đề dây mơ rễ má, hậu duệ, đồ đệ, lợi ích nhóm”.

Phân tích của ông Vượt có lẽ đã trả lời được rất nhiều thắc mắc của các độc giả cũng như của người viết về vấn đề sang nhượng đất vàng giá rẻ. Có lẽ sẽ cần phải có một sự rà soát tổng thể về những phi vụ chuyển nhượng đất đai cũng như tài sản công không minh bạch, nhưng quan trọng hơn cả là luật pháp phải chặt chẽ và có tính chất răn đe để ngăn chặn không để xảy ra những giao dịch tương tự. Những “phép thuật”, “hô biến” cần phải được vô hiệu bằng chính sự giám sát của nhân dân.

Bích Diệp