Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn trên các sàn thương mại
(Dân trí) - Các sản phẩm kém chất lượng ngày càng xuất hiện phổ biến trên các sàn thương mại điện tử, gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm, hàng hóa càng được quan tâm nhiều hơn và là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Chia sẻ tại diễn đàn Hợp tác phát triển kinh tế - Bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng sáng nay (26/4), ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu, doanh nghiệp nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với quy mô, tốc độ ngày càng lớn, khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.
Ông cho rằng vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tác dụng đến giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
"Truy xuất nguồn gốc giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường cạnh tranh lành mạnh và góp phần bảo vệ môi trường", ông Huân nhấn mạnh.
Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm, các chuỗi cung ứng liên quan, góp phần hỗ trợ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất khi đến tay người tiêu dùng.
Điều này giúp hạn chế tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cũng cho rằng việc truy xuất có thể giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát được chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thống kê, dự báo thị trường; theo dõi tình trạng hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dễ dàng xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, điều này cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu... thông qua việc minh bạch, công khai thông tin từ quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản đến lưu thông, phân phối sản phẩm.
Không chỉ vậy, người tiêu dùng cũng được bảo vệ quyền lợi do có thể kiểm tra, truy vết được thông tin về nguồn gốc hàng hóa, mức độ tin cậy, chất lượng, độ an toàn của sản phẩm.