Vì sao cần bốc thăm xác minh tài sản cán bộ?
TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 với dự kiến xác minh tại 12 trong số 131 đơn vị thuộc UBND thành phố. Việc lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị tiến hành bằng hình thức bốc thăm, ngẫu nhiên.
Đây là kế hoạch thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Như vậy, không riêng gì Hà Nội mà việc này sẽ được thực hiện ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên toàn quốc theo quy định pháp luật.
Sau thông tin nêu trên, nhiều ý kiến băn khoăn vì sao một việc quan trọng như xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ mà lại áp dụng cách thức bốc thăm, có vẻ thủ công và mang tính may rủi?
Chúng ta biết rằng kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng phổ biến trên thế giới. Việt Nam áp dụng biện pháp này từ nhiều năm nay với số lượng bản kê khai (theo quy định cũ) là hơn một triệu bản mỗi năm. Một vị nguyên lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) từng ước tính, nếu mỗi người cần nửa ngày làm việc để hoàn tất bản kê khai của mình, hằng năm có tới nửa triệu ngày công dành cho việc này.
Số lượng bản kê khai rất lớn song hiệu quả của biện pháp trên lại chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Có những năm trong số cả triệu bản kê khai chỉ phát hiện được vài trường hợp không trung thực, trong khi đó nguồn lực dành cho việc kê khai, in ấn, lưu trữ là rất lớn.
Sau khi tổng kết thực tiễn, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã được thiết kế theo hướng mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và chia thành hai nhóm: Kê khai lần đầu và kê khai hàng năm.
Theo đó, tất cả cán bộ, công chức (gồm những người mới được tuyển dụng), sỹ quan quân đội, công an và người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Đây là nhóm kê khai lần đầu. Nhóm phải kê khai hàng năm thu hẹp hơn, gồm người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc với người dân.
Như vậy, nhóm phải kê khai hàng năm thu hẹp hơn và Luật đã bổ sung quy định về việc xác minh theo lựa chọn ngẫu nhiên. Chúng ta hình dung các bản kê khai được cất vào ngăn tủ của tổ chức, chỉ bị đưa ra xác minh trong một số trường hợp như: Khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà cán bộ giải trình không hợp lý về nguồn gốc; có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; hoặc từ yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền…
Ngoài các trường hợp trên, nay bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ không "nằm yên" trong ngăn tủ như trước mà sẽ được xác minh một cách ngẫu nhiên, không cần bất kỳ điều kiện nào, qua đó đề cao tính tự giác, trung thực của người kê khai. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh; trong đó có ít nhất một người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.
Theo quy định thì việc lựa chọn ngẫu nhiên này sẽ thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.
Đến đây chúng ta có thể thấy rằng biện pháp xác minh tài sản, thu nhập bằng lựa chọn ngẫu nhiên là một điểm mới, một bước tiến của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Đây hoàn toàn không phải một biện pháp "thủ công" hay "may rủi", điều quan trọng là nó được thực hiện công khai và đảm bảo công bằng, các bản kê khai đều sẽ được xác minh lần lượt theo quy định. Trong thời gian đầu áp dụng việc này, số lượng 10% có thể phù hợp để các cấp có thẩm quyền tập trung nguồn lực xác minh thật tốt và rút kinh nghiệm về cách làm. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần tăng dần để làm sao ngày càng có nhiều bản kê khai được xác minh, kể cả theo cách thức lựa chọn ngẫu nhiên hoặc đột xuất.
Để biện pháp trên phát huy hiệu quả, quá trình xác minh cần đảm bảo đúng quy định, khách quan và làm rõ được tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Kết quả xác minh phải công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức thường xuyên làm việc để mọi người cùng biết.
Mỗi cán bộ, công chức cần có tâm thế là bản kê khai tài sản, thu nhập của mình sẽ được xác minh bất cứ lúc nào, coi đây là việc bình thường và nhẹ nhàng. "Cây ngay không sợ chết đứng"! Nếu có cử tri hỏi thì tôi sẽ trả lời rằng bản thân luôn sẵn sàng cho việc được xác minh này.
Tác giả: Ông Phạm Văn Hòa xuất thân từ ngành công an; từng là Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Đồng Tháp; hiện ông là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp; Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!