Tâm điểm
Quan Thế Dân

Ứng phó với dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết có thể đoán trước với chu kỳ 4 - 5 năm lặp lại một lần. Vì thế vào năm 2017, tôi đã đoán đúng điểm rơi của dịch.

Lúc đó tôi là Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của một cơ sở nhỏ là Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Vào khoảng tháng 7, quan sát thấy bệnh nhân bị sốt xuất huyết tăng dần, khoa truyền nhiễm lúc nào cũng đầy giường, cộng thêm với tình hình là mấy năm nay chưa có dịch lớn, nên tôi dự đoán đến mùa thu sẽ có dịch to.

Với trách nhiệm là trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, tôi phải suy nghĩ nếu dịch lớn xảy ra, bệnh nhân vào nhiều thì nằm ở đâu? Không lẽ lại chắp vá như mấy năm trước cho bệnh nhân nằm hành lang. Không được, hồi đó bệnh viện mới thành lập nên mới bị động như vậy. Nếu năm nay tình trạng đó lặp lại thì kém quá.

Nhìn sang đối diện bệnh viện có hai tòa giảng đường cũ đã lâu không sử dụng, tôi liền nảy ra ý nghĩ: Cải tạo hai giảng đường này thành buồng bệnh, nếu sau này khi dịch qua rồi thì ta sẽ được hai giảng đường khang trang hơn cho sinh viên.

Tôi liền trình bày ý tưởng với lãnh đạo đơn vị. Hiệu trưởng kiêm Giám đốc bệnh viện lúc đó mới nhận chức nên rất ủng hộ cái mới. Anh xuất tiền cho sửa sang ngay hai giảng đường cũ, sơn bả lại tường, thay cửa, xây nhà vệ sinh, lắp quạt, lắp điều hòa… Làm cật lực gần một tháng thì xong. Hai phòng học lớn và cũ kỹ đã khoác màu áo mới. Sau đó chúng tôi kê được 100 giường, rồi kê tủ thuốc, bàn làm việc, chuyển khoa truyền nhiễm sang nhà mới, rộng gấp vài lần vị trí cũ.

Ứng phó với dịch sốt xuất huyết - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, tháng 6/2022 (Ảnh: Hoàng Lê).

Thật may khi khoa truyền nhiễm mới vừa chuyển xong thì dịch bùng phát, số bệnh nhân vào viện tăng nhanh rồi lấp kín hết giường. Lúc đó 100 giường đều có người nằm đầy. Rồi mỗi giường lại có người đi theo chăm sóc nữa. Nhìn cảnh người bệnh có chỗ điều trị đàng hoàng, tôi thở phào nhẹ nhõm, thế là mình đã kịp thời phục vụ. Nếu không kịp thời mở rộng khoa truyền nhiễm thì lúc này 100 bệnh nhân kia nằm đâu, chắc lại chật kín hành lang, náo loạn hết bệnh viện.

Tuy nhiên cái mừng của tôi không kéo dài, chỉ mấy ngày sau số bệnh nhân tăng lên chóng mặt, số giường hết nên có lúc phải nằm ghép, lúc đầu ghép đôi, sau có khi phải ghép ba. Phòng mới mở mà chật kín, đặc quánh hơi người. Bệnh nhân toàn thanh niên trẻ, mà hầu như là sinh viên của mấy trường đại học quanh đấy. Trong đó có khá nhiều sinh viên của trường tôi. Đi buồng lúc nào cũng thấy các em chào thầy. Nhìn các em sốt cao 39, 40 độ, mặt đỏ dừ, môi khô nẻ, tôi rất lo lắng. Vì các em trọ học ở những căn phòng ẩm thấp trong mấy khu đông dân cư xung quanh, hầu hết là bị mắc sốt xuất huyết. Các em lên đây trọ học, bây giờ bị bệnh chỉ có bạn bè giúp thôi, bố mẹ thì ở xa. Nhìn chúng nó mà thấy thương quá, cứ nghĩ như con mình đi học xa mà bệnh thì làm thế nào.

Sau này khi hết dịch tôi mới biết con số là đợt dịch sốt xuất huyết năm ấy là lớn nhất. Hà Nội năm ấy là tâm dịch của cả nước. Mà trong Hà Nội thì quận bị nặng nhất là Từ Liêm, còn trong quận Từ Liêm thì nặng nhất là làng Phùng Khoang. Trường và bệnh viện tôi nằm đúng ở đó.

Đến hết tháng 11 năm đó thì dịch đột ngột giảm nhanh rồi chấm dứt. Tổng kết cả đợt, bệnh viện tôi năm ấy đã điều trị 5.000 lượt bệnh nhân sốt xuất huyết. Một con số mà trước đó không ai ngờ đến.

Trong suốt đợt dịch, chúng tôi đã bám sát phác đồ của Bộ Y tế, điều trị an toàn, không có trường hợp nào tử vong. Duy nhất một ca nặng biến chứng xuất huyết não vào ngày thứ 2 sau khi nhập viện, phải chuyển đi Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Còn lại tất cả đều được điều trị tốt, không để ca nào chuyển sang sốc sốt xuất huyết.

Nay truyền thông đưa tin sốt xuất hiện đang diễn biến phức tạp ở TPHCM và miền Tây. Trong đó, nhiều tỉnh miền Tây có hàng nghìn ca sốt xuất huyết, hàng trăm ca nặng và đã có 2 ca tử vong. Một số cơ sở y tế địa phương phía Bắc ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết có tiền sử đi từ các tỉnh phía Nam ra. Đây là vấn đề mà ngành Y tế đã và đang triển khai các biện pháp cần thiết về điều trị cũng như khuyến cáo phòng tránh. Người dân cần chú ý thực hành theo đúng hướng dẫn, nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và tránh bị muỗi đốt (mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn…).

Ở góc độ một bác sĩ và kinh nghiệm cá nhân, theo tôi điều trị sốt xuất huyết thực ra không quá phức tạp. Có thể nói các nguyên tắc điều trị lớn là: Hạ sốt, bù đủ dịch, cân bằng điện giải, nuôi dưỡng tốt. Và nhất là theo dõi kỹ để phát hiện các biến chứng. Nhiều ca có biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tiểu cầu hạ rất thấp, xuất huyết tiêu hóa… khi theo dõi sát, phát hiện sớm thì đã được giải quyết an toàn.

Qua vụ dịch mà tình cờ ở ngay tâm dịch, tôi có thể ra kết luận nếu ngay từ đầu tuân thủ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế thì bệnh nhân sẽ diễn biến tốt. Tôi khẳng định hướng dẫn điều trị Sốt xuất huyết của Bộ Y tế ban hành năm 2017 rất đầy đủ và cụ thể, các cơ sở y tế tải về và làm theo thì sẽ yên tâm, tránh được hiện tượng nhiều nơi "quên bài" như mới đây Sở Y tế TPHCM lưu ý. Những trường hợp bệnh nhân nặng là do từ đầu không tuân thủ điều trị, đến bệnh viện muộn, khi đã rơi vào sốc, suy đa tạng, rất khó chữa.

Một vài kỷ niệm về đợt chống dịch sốt xuất huyết xin kể lại, mong rằng sẽ có ích ít nhiều khi một vụ dịch sốt xuất mới đang đến.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!