Từ câu nói của bác Quốc, nghĩ về trách nhiệm của Quốc hội

(Dân trí) - Thưa Quốc hội, ngay tại nhiệm kỳ này đã đại biểu Quốc hội hay đoàn đại biểu Quốc hội nào ngăn chặn hoặc phát hiện được một vụ tham nhũng? Có lẽ câu trả lời là chưa? Trong khi đó, tệ nạn tham nhũng nhan nhản khắp nơi, không địa phương nào, bộ ngành nào là không xảy ra.

Từ câu nói của bác Quốc, nghĩ về trách nhiệm của Quốc hội

  “Chính phủ chỉ là người được giao chi tiêu theo luật và chịu sự giám sát của Quốc hội. Cho nên hiệu quả sử dụng ngân sách trước tiên thuộc về Quốc hội - chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được ủy thác".
Đó có lẽ không phải chỉ là suy nghĩ của một mình ĐB Dương Trung Quốc khi ông thẳng thắn nói ra điều này mà có thể cũng là suy nghĩ của nhiều đại biểu khác. Đó có lẽ cũng không phải chỉ là ý kiến của cá nhân mình mà cũng là suy nghĩ của không ít cử tri khác.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nói thẳng, không chỉ Chính phủ mà Quốc hội cũng có trách nhiệm trước tình trạng đầu tư công đã bị lạm dụng, gây lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, trở thành công cụ cho tư duy nhiệm kỳ bất chính kéo dài lâu như vậy.
Tại kỳ họp lần này, trên VOV. VN bài “Trách nhiệm của Quốc hội trong việc đưa ra các quyết sách” cho biết “Dù là thảo luận ở tổ, ở  hội trường hay các cuộc phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, cụm từ được các đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều nhất là trách nhiệm. Trách nhiệm của Quốc hội trong việc đưa ra các quyết sách lớn…”.
 
Trước hết, phải khẳng định rằng nhiều năm gần đây, Quốc hội đã có những bước chuyển biến rất to lớn. Đặc biệt, tinh thần dân chủ đang được phát huy khá mạnh mẽ.
Nếu như Quốc hội những năm trước đây mang nặng tính hình thức, chủ yếu là đồng ý thì giờ đây trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, thậm chí nhiều khi khá gay gắt.

Tuy nhiên, nếu nói Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm của mình trước cử tri thì có lẽ chưa chính xác. Đặc biệt là trong lĩnh vực giám sát, một trong ba chức năng quan trọng nhất được qui định trong Luật tổ chức Quốc hội 2001.

Có thể nói, để xảy ra tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, trầm trọng như hiện nay không thể không có trách nhiệm của Quốc hội với chức năng giám sát của mình.

Thưa Quốc hội, ngay tại nhiệm kỳ này đã đại biểu Quốc hội hay đoàn đại biểu Quốc hội nào ngăn chặn hoặc phát hiện được một vụ tham nhũng? Có lẽ câu trả lời là chưa?

Trong khi đó, tệ nạn tham nhũng nhan nhản khắp nơi, không địa phương nào, bộ ngành nào là không xảy ra.

Về quản lý kinh tế, với vai trò giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước, chẳng lẽ Quốc hội lại “vô can” như lời của đại biểu Dương Trung Quốc đối với các vụ như Vinaline, Vinashin?

Nếu Quốc hội làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, có lẽ giờ đây đất nước không phải mỗi ngày mất đi 1 triệu USD chỉ để trả lãi cho một cái Vinashin.

Nếu như Quốc hội làm tôt hơn nữa chức năng giám sát thì chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều những vụ tàn phá môi trường, hủy hoại môi sinh như mà tiêu biểu như vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa đang có nguy cơ rơi vào quên lãng. Sẽ không có những trụ sở tỉnh mà theo lời của Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước là “nguy nga như cung điện”. Sẽ không còn những vụ oan khuất như vụ số nhà 194 Phố Huế mà báo Dân trí đã nhiều lần lên tiếng và gần đây nhất là vụ oan khuất 10 năm tù đày của công dân lương thiện Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người đang gây rúng động dư luận.  

Vâng, Quốc hội không thể “vô can” như lời đại biểu Dương Trung Quốc từng tự nhận trách nhiệm. Xin Quốc hội hãy làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trước cử tri, trước non sông đất nước!

 

Bùi Hoàng Tám

 

  BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!