Trường tiểu học "lên chuẩn": Xin đừng gấp gáp!
Sự việc hàng trăm học sinh Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dự kiến bị điều chuyển để xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tạm khép lại, khi nhà trường lùi lộ trình "lên chuẩn", đồng ý để các học sinh thuộc diện phải phân tuyến trước đây ở lại trường, qua đó "hạ nhiệt" bức xúc của các phụ huynh liên quan.
Dù sự việc tạm khép lại nhưng mở ra nhiều điều đáng suy nghĩ về việc lên trường chuẩn quốc gia ở các đô thị lớn.
Theo quy định hiện hành, việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cần phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Cụ thể, theo thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, diện tích trường tiểu học tại các khu vực trung tâm đô thị có quỹ đất hạn chế phải đạt tối thiểu 8m2/học sinh. Ngoài phòng học phải đảm bảo có các phòng bộ môn, bao gồm: Âm nhạc, mỹ thuật, khoa học - công nghệ, tin học, ngoại ngữ, phòng đa chức năng. Trường còn phải có các khối phòng hỗ trợ học tập như: Thư viện, phòng thiết bị giáo dục, phòng tư vấn học đường… Diện tích phòng học bộ môn tin học, ngoại ngữ, đa chức năng... tối thiểu là 1,5m2/học sinh.
Còn theo thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những tiêu chí để trường tiểu học được công nhận chuẩn quốc gia là phải có ít nhất 55% giáo viên đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Quy định tiêu chí là công việc cần thiết của ngành giáo dục để có thước đo cụ thể và cũng để các nhà trường phấn đấu, với mục đích cuối cùng vì học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học. Nhưng mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng lộ trình và các giải pháp đạt chuẩn sao cho phù hợp, nếu đơn thuần chạy theo thành tích thì sẽ phản tác dụng. Sự việc vừa xảy ra liên quan đến Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trường hợp cho thấy cách làm nóng vội sẽ dẫn đến phản ứng của phụ huynh. Trong một thông báo, nhà trường cho hay để giảm số học sinh vào trường tiểu học, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia…, nhà trường sẽ phân tuyến, gửi toàn bộ học sinh của một số lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) sang trường khác cùng trên địa bàn phường.
Thông báo này đã khiến hàng trăm phụ huynh của trường bức xúc vì bị đẩy vào thế bất ngờ và dĩ nhiên là họ không đồng ý. Trong thực tế, với điều kiện đất chật người đông ở Hà Nội và TPHCM, nhiều trường tiểu học rất khó vượt qua các tiêu chí về quỹ đất, cơ sở hạ tầng… Đơn cử, phường Hoàng Liệt là địa bàn có số lượng học sinh bậc tiểu học rất lớn với hơn 7.500 em, trên địa bàn phường có tới 3 trường tiểu học mà vẫn quá tải. Vào đầu năm học vừa qua, một phụ huynh ở phường Hoàng Liệt chia sẻ với người viết rằng, gia đình họ phấn đấu mua được căn nhà và đã làm hộ khẩu về phường này nhưng rất khó khăn để xin cho con vào trường tiểu học vì lý do quá tải. Không có điều kiện cho con mình học trường tư, họ đã phải loay hoay mất rất nhiều thời gian để tìm chỗ học cho con, nhiều lúc tưởng bế tắc.
Rõ ràng, để giải bài toán nêu trên phải bằng các biện pháp đồng bộ của chính quyền địa phương và ngành giáo dục trong việc giãn dân, xây mới và nâng cao cơ sở vật chất trường học, chứ không thể bằng biện pháp hành chính "đánh úp", bằng việc điều chuyển học sinh đơn thuần.
Bất cứ người dân nào có con đang học ổn định tại một trường tiểu học, nếu không may thuộc diện phải điều chuyển sẽ cảm thấy bức xúc và đặt câu hỏi, có cần phải "lên chuẩn" gấp thế không? Điều đó vì thành tích của nhà trường hay vì học sinh?
Vấn đề quá tải trường học tại Hà Nội đã diễn ra nhiều năm nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là tốc độ đô thị hóa tăng cao, các tòa chung cư liên tục được xây lên trong khi số lượng trường học chưa đáp ứng được nhu cầu. Nếu trước khi cấp phép xây dựng một dự án chung cư, khu đô thị nào đó, các cấp quản lý quan tâm hơn về vấn đề mật độ dân cư hiện tại, dự báo dân cư sắp tới để tính toán số lượng trường học thì sẽ giảm áp lực cho các nhà trường như hiện nay. Vấn đề này đâu phải lỗi của người dân và các cháu học sinh.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh sĩ số học sinh ngày càng gia tăng, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven thì việc đầu tiên quan trọng nhất là phải đảm bảo chỗ học cho học sinh, vấn đề "lên chuẩn" phải có lộ trình thích hợp. "Xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng quan trọng, nhưng chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường mới là điều quan trọng nhất", một lãnh đạo ngành giáo dục ở TPHCM từng phát biểu như vậy. Chúng tôi ủng hộ quan điểm này.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, viết mảng xã hội; hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!