Tôi, điện thoại và “em Thủy”

Họ và tên Việt Nam vốn rất khác với họ tên nước ngoài. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi hệ thống công nghệ của nước ngoài xử lý tên Việt Nam. Hôm nay Joe “nghiên cứu” vấn đề “hơi phức tạp” đó trong bài viết mới dưới đây.


Tôi, điện thoại và “em Thủy”  - 1

(Ảnh minh họa)
 

Năm 2003, khi tôi dùng máy điện thoại Nokia 3330 chứa được 10 tin nhắn, cuộc sống rất đơn giản. Gặp người tên Thủy, tôi lưu họ vào máy với tên “Thuy”. 


Sau một thời gian (và  mấy chiếc điện thoại mới), máy bị “lắm Thuy”, tôi thấy Thủy đang gọi nhưng không biết là Thủy nào. Vậy tôi gõ thêm đại từ chỉ định: chị Thủy, cô Thủy, em Thủy.

 

Nhưng khổ quá, số lượng “em Thủy” phát triển nhanh hơn số lượng chị, cô và bác Thủy (lạ nhỉ?) cho đến khi máy bị lắm em Thủy. Thế là tôi gõ cụ thể hơn nữa: Em Minh Thủy, em Mai Thủy, em Phạm Thị Mỹ Thủy. Còn không biết họ tên đầy đủ thì… em Thủy cao, em Thủy thấp, em Thủy vừa phải.

 

Thế là đủ  để biết em Thủy vừa từ chối đi uống nước cùng tôi là em Thủy cao, vẫn kịp nhắn tin các em Thủy khác để bị từ chối cho trọn gói.

 

Còn bây giờ tôi có 2.214 tên lưu trong máy - bạn bè, bạn của bạn bè, bạn ở công ty, bạn không biết từ hành tinh nào bay xuống. Thêm người mới tôi gõ cụ thể lắm: “Chị Minh Thủy bạn anh Hải làm VTV gặp ở starbowl sinh nhật của cái em cao cao mặc mini juyp màu vàng”.

 

Đó là tôi tìm cách Việt hóa chiếc máy điện thoại cho dễ sử dụng. Do phần mềm linh hoạt nên tôi có thể thêm các từ “anh, em, cô, chú” vào (hoặc viết tên có dấu), viết linh tinh dài dòng, dùng từ tiếng lóng tùy thích. Nhưng cũng có nhiều hệ thống công nghệ cứng quá, khó Việt hóa được như máy điện thoại tôi.

 

Tôi nghĩ dưới đây là ví dụ quen thuộc cho người dùng email ở Việt Nam:
 
Tôi, điện thoại và “em Thủy”  - 2


 

Khó quá ! Cảm ơn gmail cho tôi biết đó là cuộc trò chuyện giữa tôi và một người có họ “Nguyễn”. Chẳng khác gì nói “Email này là giữa Joe và một người bạn có hai con mắt và một chiếc mũi xinh xắn”. Người nước ngoài nhìn vào inbox của tôi chắc nghĩ tôi chỉ có 4 người bạn, bạn Nguyễn, bạn Trần, bạn Phạm và bạn Đỗ.

 

Hệ thống đặt vé  máy bay ở Việt Nam cũng “cứng đầu” không kém. Là hệ thống nhập từ nước ngoài sang nên không hỗ trợ dấu tiếng Việt. Tôi không biết bao nhiêu lần tôi ngồi chờ ở sân bay Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất và nghe cái loa phát ra câu như:

 

“Hãng hàng không Việt Nam xin mời hành khách có tên Nguyễn Lê Cương hoặc Nguyễn Lê Cường nhanh chóng đến quầy số 3”.

 

Tên “LE CUONG” ấy tương đối dễ xử lý, chỉ có hai trường hợp trên. Tôi nghĩ các bác phụ trách loa ở sân bay sợ nhất khách hàng có những tên như PHUONG THUY.

 

Phương hay Phượng? Thủy? Thúy? Thụy? Thùy? “Hãng hàng không Việt Nam xin mời hành khách trên chuyến bay VN123 có tên Nguyễn Phương Thủy, hay Phương Thúy, hay Phương Thùy, hay Phượng Thủy, hay Phượng Thùy...”…

 

Nói xong máy bay cất cánh mất!

 

Giá mà hệ thống lưu tên Việt Nam nào cũng linh hoạt như máy điện thoại 2.214 contact của tôi.

 

Joe