Tâm điểm
Phạm Anh Thắng

Tháng 7, nghĩ về một quyết định hợp lòng dân

Tháng bảy đã đến, tháng của những ưu tư, hoài niệm với những ai đã đi qua những thời khắc lịch sử dân tộc từ hơn 40 năm trước. Tháng bảy đến, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của người Việt lại được thắp lên một cách hùng tráng, nhất là kể từ khi Đảng, Nhà nước ta lấy ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh Liệt sĩ.

Cách nay vừa đúng 5 năm, với tâm nguyện "chúng ta còn nợ người dân rất nhiềucủa Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, sau rất nhiều trăn trở và nhất là thực tiễn "mắt thấy, tai nghe" từ những chuyến đi xuống cơ sở, gặp gỡ người dân, các thế hệ cựu chiến binh, lắng nghe ý kiến, tâm nguyện của các bậc lão thành cách mạng, sau khi xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức báo cáo Chính phủ về thực trạng tình hình giải quyết các chính sách, chế độ đối với người có công tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017. Trên cơ sở này, Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ đã chỉ đạo: "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công;… giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi". 

Tháng 7, nghĩ về một quyết định hợp lòng dân - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trao quà, tặng người có công trên địa bàn thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tháng 6/2022 (Ảnh: Thanh Tùng)

Sau đúng 2 tuần kể từ ngày Nghị quyết số 30/2017 được ban hành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH Ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Đây có thể nói là một quyết định then chốt, làm cơ sở pháp lý để từng bước giải quyết hồ sơ tồn đọng xác định người có công trong suốt hơn 5 năm qua. 

Và cũng từ đó, hành trình bền bỉ "trả nợ" của Bộ trưởng qua hơn một nhiệm kỳ đã đơm hoa, kết trái, nhiều người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ và nhất là những "thương binh thật" cùng gia đình, dòng tộc họ đã nở nụ cười trên môi sau nhiều năm ròng đi tìm công lý. 

Thật vậy, trong hơn 5 năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, đến nay cả nước đã xem xét giải quyết trên gần 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Với những hồ sơ không đủ điều kiện, các cơ quan đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý; đến nay không có khiếu nại, tố cáo. Những điều đó đã góp phần tích cực động viên, tri ân các gia đình có công với cách mạng được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Đây là một kết quả ấn tượng trong công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng, tạo được niềm tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.

Điều đáng nói là việc giải quyết những hồ sơ tồn đọng chưa bao giờ là dễ khi mà hồ sơ, giấy tờ gốc không còn, người giao nhiệm vụ, những ai biết sự việc và nhất là người làm chứng đã mất, trong đó đa phần những Liệt sĩ được công nhận là từ thời kỳ chống Pháp, những thương binh, người hưởng chính sách như thương binh từ thời kỳ chống Mỹ, ... cá biệt có những Liệt sĩ được công nhận đã hy sinh cách đây từ hơn 80 năm về trước.

Nói về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhiều lần chia sẻ "đây là nghĩa vụ và bổn phận không chỉ của cá nhân tôi, của Ngành LĐ-TB&XH mà là của nhân dân cả nước, nếu không có sự đồng lòng của nhân dân dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ thì không thể có kết quả như ngày hôm nay".

Dẫn ra như vậy để thấy rằng, để triển khai ý tưởng thành một quyết định có tính đột phá đã rất khó, triển khai thực hiện quyết định sao cho hiệu quả, đúng định hướng mục tiêu để mang lại hiệu quả thiết thực, tháo gỡ những vướng mắc tồn tại nhiều năm trong lĩnh vực chính sách người có công lại càng khó gấp bội phần. Và, chỉ khi những kết quả đạt được trên thực tế, bằng những con số và sự hài lòng của người dân mới là sự phản ánh chính xác quan điểm và tầm nhìn của người đưa ra ý tưởng. Mà, quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH là một trong những quyết định phản ánh về cách làm sáng tạo, làm dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, thôn xóm với sự tham gia của toàn xã hội. Đây cũng có thể được coi là thành công lớn nhất của ngành LĐ- TB&XH những năm qua.

Đảng, Nhà nước ta đang chuẩn bị kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa sẽ được tổ chức tại Trung ương và địa phương, trong đó theo kế hoạch vào ngày 16/7/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 75 thân nhân liệt sĩ đại diện cho 359 liệt sĩ được xác nhận, truy tặng trong đợt này. Thiết nghĩ, đây chính là hoạt động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, để bày tỏ tấm lòng thành kính của những người làm công tác thương binh xã hội đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Tác giả: Ông Phạm Anh Thắng là Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!