Nước mắt hôm nay sẽ ươm mầm cho hạnh phúc ngày mai

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Năm 2020, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa - nghệ thuật. Nghệ sĩ phải đối diện với những khó khăn và biến cố chưa từng có.

Nước mắt hôm nay sẽ ươm mầm cho hạnh phúc ngày mai - 1

Tháng (2/2020), Việt Nam phát hiện ca thứ 12 nhiễm virus SARS-CoV2. Trước tình hình này, Bộ VHTT&DL đã ra công văn yêu cầu các tỉnh thành tạm ngừng tổ chức các lễ hội đầu xuân, kéo theo đó là hàng loạt sân khấu phải tạm đóng cửa, phim chiếu rạp hoãn công chiếu, chương trình ca nhạc bị hoãn hủy.

Đối với lĩnh vực âm nhạc, rất nhiều ca sĩ đã bị hủy chương trình biểu diễn ngay trong tháng 2/2020, thậm chí đã lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi phải bị hủy bỏ hoặc hoãn vô thời hạn các liveshow đã được lên kế hoạch từ trước. Nhiều đơn vị tổ chức ca nhạc cũng "than trời kêu đất" vì thiệt hại tiền tỷ do đã ký hợp đồng thuê địa điểm, âm thanh ánh sáng, thiết kế sân khấu…

Trải qua hai đợt giãn cách xã hội và tình trạng dịch bệnh phức tạp kéo dài, nhiều ca sĩ cũng không dám ra sản phẩm âm nhạc mới. Nhiều người phải "giữ chân" khán giả và giải tỏa nỗi nhớ sân khấu bằng cách tổ chức các chương trình âm nhạc online. Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình âm nhạc như thế này cũng chỉ dừng ở tính chất "giải sầu trong mùa dịch". Thị trường nhạc Việt vì lẽ đó mà phải trải qua một thời kỳ "đóng băng" chưa từng có.

Lĩnh vực sân khấu cũng thảm hại không kém khi phải đóng cửa triền miên, dù sau Tết Nguyên đán là dịp các sân khấu ra nhiều vở mới và hoạt động hết công suất.

Những đơn vị nghệ thuật như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam… may mắn được bao cấp nên khi đóng cửa sân khấu còn trả được 50% lương cho cán bộ - công nhân viên trong thời gian nghỉ việc chờ dịch bệnh đi qua. Nhưng nhiều đơn vị nghệ thuật phải tự chủ về thu chi thì xoay sở đủ cách vẫn không tìm được nguồn tài chính để trả lương cho người lao động. Chính điều này đã khiến đời sống của nghệ sĩ gặp muôn vàn khó khăn.

Nhiều ca sĩ, diễn viên, mc, người mẫu… buộc phải xoay sở đủ cách để duy trì đời sống. Người thì bán đồ ăn vặt qua mạng, người bán nước ép trái cây online, chè bưởi, quần áo, lạp xưởng, mỹ phẩm, bánh bột lọc... để kiếm thêm thu nhập.

Ngay cả những ca sĩ được công chúng ví như "ngôi sao hạng A" cũng phải thường xuyên giới thiệu mỹ phẩm trên trang cá nhân để thu hút người hâm mộ và đẩy mạnh doanh số trong mùa dịch.

Rạp chiếu phim phải đóng cửa cũng đồng nghĩa với việc nhiều bộ phim phải hoãn lịch công chiếu. Nhiều bộ phim đã ấn định ngày ra rạp nhưng vì dịch mà phải hoãn, dời lịch chiếu sang đầu năm 2021. Nhiều đơn vị sản xuất phim cũng vì thấp thỏm, phập phồng, lo âu… mà không dám khởi động các dự án mới.

Điều đáng lo ngại là dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc. Vài tháng, một năm hay nhiều năm nữa… không biết khi ấy các loại hình nghệ thuật cần sự có mặt trực tiếp của rất nhiều công chúng sẽ như thế nào và quan trọng hơn, nghệ thuật sẽ đi về đâu?

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dịch bệnh đã khiến văn hóa - nghệ thuật đối diện với một năm đầy thách thức và khó khăn nhưng cũng đặt các đơn vị, tổ chức, cá nhân vào những bước chuyển mới.

Nói như NSƯT Xuân Bắc là: "Dịch bệnh đã khiến ngành nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng rõ ràng sau khoảng lặng đã đi qua, những người làm nghệ thuật hẳn sẽ có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm và có những bước đi chín chắn cho sự phát triển của cá nhân cũng như của đơn vị".

Người xưa có câu: "Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra". Biết đâu "Cái khó, ló cái khôn", nghệ thuật qua cơn "thử lửa" này sẽ tìm ra phương thức tiếp cận mới và giọt nước mắt hôm nay sẽ ươm mầm cho những nụ cười hạnh phúc của ngày mai…