Tâm điểm
Nguyễn Quang Thiều

Những điều Hà Nội "đánh mất"

Đến chơi nhà một người bạn thấy trên bàn có một giỏ đài sen và một đĩa hoa ngọc lan. Một cảm giác tinh khiết, thơm thảo và xa xôi khe khẽ lùa vào căn nhà. Sự tinh khiết và thơm thảo của loài hoa và của phong cách của những người đã làm nên kinh thành này. Nhìn ra phố thấy nắng đã khác cho dù trời vẫn nóng và người đã khác cho dù người vẫn là người hôm nay. 

Bạn nói: Nhìn những đài sen thấy mùa hạ đang tàn. Câu nói vẻ vu vơ nhưng làm hiện lên những đầm sen đang chuyển dần sang thu với vẻ đẹp lạ lùng của nó.

Những điều Hà Nội đánh mất - 1

Hoa sen bán trên phố Hà Nội (Ảnh minh họa: Toàn Vũ)

Sen là một loài để lại cái đẹp trong bất cứ hình thức nào, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Đó là khi những mầm sen đầu tiên vươn lên khỏi mặt nước, khi những lá sen mở rộng như những vết loang của diệp lục, khi hoa sen bắt đầu nở, khi lá sen thưa dần và hiện lên những đài sen và khi mặt nước thẫm màu và tĩnh lại với những cuống sen tối màu....và cả khi không còn dấu vết gì nhưng vẫn để lại hương thơm đâu đấy trên mặt nước mơ hồ sương khói. Và những bông ngọc lan kia có lẽ là những bông hoa cuối cùng trong năm. Rồi chỉ còn một lối phố nào đó hương thơm của ngọc lan trong tâm tưởng từ những vòm lá xào xạc tiếng thu và sang tận bên kia những ngày đông.

Hà Nội đã đánh mất đi quá nhiều vẻ đẹp thanh tao và tĩnh lặng. Vẻ đẹp ấy chỉ còn đâu đấy trong một vài ngôi nhà. Vừa qua, người dân bàn nhiều đến tiêu chuẩn của một thị trưởng cho Hà Nội. Nhưng tôi nghĩ người đó trước hết phải thấu hiểu và rung cảm được những vẻ đẹp của "kinh thành" ngàn năm văn hiến. Bất cứ thủ đô nào trên thế giới trước hết phải là vương quốc của những vẻ đẹp văn hóa thẳm sâu nhất. Thủ đô không phải là một sàn chứng khoán hay một cái chợ tổng hợp và càng không phải những thứ khác. Hà Nội là văn hiến và chỉ như thế mới còn Hà Nội.

Bởi thế mà giỏ đài sen và đĩa ngọc lan kia dù chỉ là một chút mong manh và mơ hồ của Hà Nội, nhưng lại vọng lên một tiếng kêu khe khẽ và buồn bã về những vẻ đẹp thanh tao và sâu thẳm đang bỏ nơi chốn này ra đi mà không biết bao giờ trở lại. 

Nhiều năm trước, một vị lãnh đạo Hà Nội nói rằng "Với Hà Nội, văn hóa quan trọng hơn". Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về câu nói này. Với mỗi cá nhân thì cuộc mưu sinh quan trọng chứ, phát triển kinh tế quan trọng chứ. Họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt dưới nắng hè, dậy sớm hơn cả tiếng loa phường. Nhưng với một thành phố như Hà Nội thì sao? Có phải chỉ cần quan tâm đến tốc độ tăng trưởng, như một cỗ xe lao về phía trước không cần biết những giá trị bị rơi rụng, bị đánh mất trên đường? Rồi cỗ xe ấy có an toàn? Hay cái Hà Nội cần có chính là văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng là lối sống, là trật tự, kỷ cương, văn minh, thanh lịch, hiện đại. 

Tôi quê ở làng Chùa, Hà Tây cũ, nay là huyện Ứng Hòa (Hà Nội), nơi người dân viết lên tường ngôi đình cổ kính dòng chữ: "Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường". Khi lớn lên, tôi hiểu ra rằng "chữ" ở đây là văn hóa. Không có văn hóa thì chúng ta cứ lần mò trong bóng tối mà thôi.

Khi những vẻ đẹp thanh tao và sâu thẳm lần lượt bỏ nơi chốn này ra đi, đấy mới thực sự là thất bại của người Hà Nội.

Tác giả: Ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Bắt đầu viết văn từ năm 1983, ông là cây bút đa năng và sung sức, nhanh chóng nổi lên như một nhà thơ trẻ cách tân hàng đầu thế hệ mình. Bên cạnh thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng ghi dấu ấn về văn xuôi, tiểu luận, dịch thuật... và góp phần quan trọng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Ông đã xuất bản 11 tập thơ, 17 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!