Tâm điểm
Đinh Đức Hoàng

Nhà tôi trong quy hoạch treo!

Nhà tôi trong quy hoạch treo đã gần hai mươi năm. Năm 2004, thành phố Hải Phòng công bố quy hoạch về một con đường tên là "Đại lộ 13/5". Một đại lộ được đặt theo ngày giải phóng Hải Phòng. Nhìn trên bản đồ quy hoạch, nó có một dải phân cách to như công viên, nối thẳng từ đường Lạch Tray ra đến Lê Hồng Phong, rồi đi sang Đông Hải. Ở đoạn qua hồ An Biên, đại lộ ấy tách thành hai cây cầu điệu đà. Đó có thể sẽ là một tuyến đường nội thị đẹp nhất nhì Việt Nam, nếu được xây xong.

Nhà mẹ tôi nằm trên con đường đó. Căn nhà tôi đã lớn lên - căn nhà mà tôi chưa bao giờ hiểu tại sao mẹ tôi xây được với đồng lương viên chức của mình. Rồi nó trở thành nơi bà gồng gánh số phận của bao nhiêu con người trong gia đình, chứa đựng yêu thương và buồn tủi của mẹ con tôi suốt hai thập niên.

Đại lộ 13/5 - đường Lạch Tray-Hồ Đông - đã nằm trên giấy suốt 18 năm qua. Những điều chỉnh quy hoạch không bỏ con đường đó đi, mà với người dân như tôi, như thể là một biện pháp "xóa nháp" để hợp lý hóa sự bê tha. Nếu một người quan liêu nhìn vào giấy tờ, anh ta sẽ thấy nó "mới chỉ" nằm trên bản đồ từ năm 2013 thôi. Từ 2013 đến nay kể cũng nhiều, nhưng chưa nhiều lắm.

Chúng tôi, những người dân thì không bao giờ quên nó đã nằm đó bao lâu. Từ 2004. Cuộc đời chúng tôi đã đình đốn gần hai thập kỷ - vì cái nhà là phần lớn phép tính kinh tế của một đại gia đình. Mẹ tôi đã già đi. Tôi cũng sắp già đi. Tôi muốn đón bà lên Hà Nội với cháu, nhưng tôi chỉ là một người viết. Tôi không thể nói thích mua nhà Hà Nội cho bà thì mua. Giá trị chênh lệch giữa một-cái-nhà với một-cái-nhà-trong-quy-hoạch lớn không thể tưởng tượng nổi với hầu hết người dân. Cái bản đồ quy hoạch đó hủy hoại mọi tính toán của gia đình tôi, và qua đó, hủy hoại cuộc đời mà đáng ra chúng tôi có thể đã được sống.

Nhà tôi trong quy hoạch treo! - 1

Quy hoạch treo gây lãng phí nguồn lực xã hội (Ảnh minh họa)

Tuần trước, tại Quốc hội, các đại biểu lại một lần nữa nêu ra vấn đề "quy hoạch treo", và đề nghị có hướng xử lý. Theo các đại biểu, một quy hoạch cần có thời hạn triển khai. Nếu không thể triển khai sau 3 hoặc 5 năm, thì cần hủy bỏ, xử lý những người có trách nhiệm.

Đó là một logic hiển nhiên mà ai cũng nhìn thấy. Không làm được tốt nhất là hủy bỏ. Trả lại cuộc sống bình thường cho người dân. Bao giờ đủ điều kiện triển khai thì làm luôn: đưa ra phương án giải phóng mặt bằng, đền bù cho mẹ con tôi mạch lạc tính lại bài toán cuộc đời. Còn bây giờ thì hủy đi.

Trong các buổi họp như ở Quốc hội, hậu quả của quy hoạch treo thường chỉ được mô tả là "gây lãng phí nguồn lực xã hội", "giảm niềm tin của người dân với chính quyền". Mấy chữ đó không diễn tả được hết sự cay đắng của hàng vạn con người. Quy hoạch treo tước đi quyền mưu cầu hạnh phúc theo nghĩa trọn vẹn của nó.

Giảm niềm tin chỉ là một khía cạnh. Tôi mất những thứ thiêng liêng hơn. Có gì đó bi hài khi con đường trên giấy đó được gọi là Đại lộ 13/5. Đó từng là một ngày tôi yêu. Tháng Năm và ngày 13 tháng ấy với người Hải Phòng rất quan trọng. Ngày 13/5/2010, tôi còn rủ một cô gái mới quen đi chơi "nhân ngày giải phóng Hải Phòng". Hôm đó tôi đã rất vui, và còn nhớ mình đã ngắm nhìn một cành phượng vĩ trong khung cửa sổ, qua vai cô gái đó. Con trai chúng tôi giờ đã gần 10 tuổi. Còn "Đại lộ 13/5" trong tôi giờ gợi ra một sự bất mãn.

Trước một nỗi đau trong đời, con người ta thường có hai lựa chọn: nhẫn nại chờ nó qua đi, hoặc đương đầu.

Những người dân An Đà, Đông Khê và Đông Hải, như mẹ con tôi, đã nhẫn nại suốt mười tám năm. Cũng có lúc tôi buồn bã, và nghĩ rằng mình có thể làm gì không, trong tư cách một người làm báo? Nhưng rồi tôi im lặng. Những bài báo viết về quy hoạch ở quận Ngô Quyền, đã xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước, từ tận thế hệ của những đàn anh trong nghề mà giờ đầu đã bạc. Tôi chọn sự chịu đựng. Tôi cặm cụi đi viết chuyện khác, những chủ đề được đặt hàng, với hy vọng rằng mình có thể bù đắp được những phép tính đã bị con đường trên giấy xé toạc.

Tôi vẫn muốn đón bà lên Hà Nội, tôi đành tự đi nhặt nhạnh từng cắc bạc để làm việc đó, còn cái nhà cứ để đó, chờ chính quyền nhón tay. Cái nhà mà mẹ tôi đã xây lên bằng tất cả sự chăm chỉ và khả năng chịu đựng những nỗi đau phi thường - giờ không phải là tài sản. Dù tôi không phải người gây ra, nhưng tôi đành tự sửa chữa. Tôi gác lại những mơ tưởng khác, gác lại những đóng góp khác tôi có thể làm cho cuộc đời, để giải cái bài toán hóc búa, do chính quyền thành phố Hải Phòng đưa ra. 

Bởi vì tôi đã đi và nhìn thấy quá nhiều người quyết định rằng họ sẽ đương đầu. Họ, những người dân khiếu nại các vấn đề liên quan đến đất đai, có một chân dung rất quen thuộc, mà hầu hết những người làm báo đều có thể kể cho bạn. Họ nói chuyện như được lập trình, bằng các mốc ngày tháng, các công văn, các nghị định, các trích dẫn phát biểu của lãnh đạo trong các buổi tiếp xúc cử tri. Họ sẽ bày ra trước mặt bạn một chiếc cặp đầy tài liệu phô tô, dày nửa gang tay và say sưa giải thích về nội dung của từng tờ một. Giọng nói của họ đầy năng lượng, nhưng bạn không nhìn thấy ở đó một con người đang sống nữa. Cuộc sống và linh hồn đã bị tước đi, theo một cách nào đó. Và điều quan trọng nhất: những con người như thế rất hiếm khi tạo ra sự thay đổi.

Bởi vì những quy hoạch treo thực chất thường là sự bế tắc trong cuộc đấu tranh nội bộ của chính những người có trách nhiệm. Nếu chính hệ thống còn không tự giải quyết được, người dân thấp cổ bé họng làm thế nào? Như Đại lộ 13/5, một vị lãnh đạo Hải Phòng trước đây đã từng đòi "xử lý hình sự" những người chịu trách nhiệm về nó. Đến nay chưa thấy kết quả gì.

Chúng tôi chọn sự chịu đựng. Gia đình tôi vẫn còn có thể tự tính toán, chưa đến mức bế tắc. Có lẽ nhiều hàng xóm của chúng tôi không có được may mắn đó, tôi chẳng bao giờ dám hỏi hay dám đào sâu vào câu chuyện của Đại lộ 13/5. Bây giờ viết ra, không phải để tranh đấu cụ thể cho một cái quy hoạch của quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Mọi chuyện cứ như vậy đi, tôi lựa chọn tự xoay sở rồi. Nhưng làm thế nào để bi kịch đó có thể dừng lại, hoặc ít nhất không tái hiện ở khắp đất nước, với những con người bế tắc hơn mẹ con tôi rất nhiều?

Hiện tại, chỉ có một kịch bản. Đó là một, hoặc rất nhiều người dân quyết định lên tiếng, cầm lấy micro trong các buổi tiếp xúc cử tri, lưu cữu trong nhà đầy giấy tờ phô tô và sống cuộc đời của một "nhà khiếu nại". Nhưng có lẽ thỉnh thoảng lắm mới có một nhóm cư dân gây đủ chú ý - với cái giá nào thì không ai tưởng tượng được. Có còn cách nào mang tính hệ thống và hiệu quả hơn không? Thực sự điều chỉnh luật? Bắt người có trách nhiệm phải thực sự chịu trách nhiệm? Hủy bỏ những quy hoạch không triển khai được sau vài năm, không treo triếc gì nữa?

Tác giả: Đức Hoàng là cây viết với góc nhìn sắc bén, đa chiều về những vấn đề gai góc hướng tới nhóm người nghèo và yếu thế trong xã hội. Anh từng phụ trách chuyên mục bình luận - quan điểm ở báo Lao Động, VnExpress.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!