Bộ Xây dựng đưa giải pháp xoá quy hoạch "treo"
Quy hoạch treo, dự án treo tại nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM là một trong những vấn đề tồn tại lâu nay, đang gây hậu quả vô cùng lớn, ám ảnh người dân và cấp chính quyền trong cách giải quyết.
Cử tri TP.HCM gửi tới Quốc hội phản ánh nội dung: “Hiện nay, việc quy hoạch treo, quy hoạch kéo dài nhiều năm (có nơi quy hoạch trên 20 năm) chưa thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhiều khu vực của Thành phố”.
Ngoài ra, cư tri kiến nghị Bộ Xây dựng cần xem xét đến việc quy hoạch các công trình hạ tầng (cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng khác,...) trong các đồ án quy hoạch đô thị.
Các quy hoạch này chậm được thực hiện, không được điều chỉnh theo luật định đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. “Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch”, cử tri đặt câu hỏi tới Bộ Xây dựng.
Về vấn đề kiến nghị của cử tri trên, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời. Trong đó, Bộ này thẳng thắn thừa nhận, tình trạng “quy hoạch treo” hay “dự án treo” do việc tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện quy hoạch đối với đất được quy hoạch công trình hạ tầng công cộng, cây xanh.
“Đây là hiện tượng không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống người dân như cử tri đã nêu mà còn gây lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả, chất lượng của đô thị và gây bức xúc trong xã hội”, văn bản Bộ Xây dựng nêu.
Liên quan đến vấn đề cử tri kiến nghị về việc Nhà nước cần có giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch, Bộ Xây dựng cho rằng, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân tại vùng bị quy hoạch treo, dự án treo.
“Với trách nhiệm quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực xây dựng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp”, văn bản Bộ Xây dựng khẳng định.
Trong nhóm giải pháp đưa ra, Bộ Xây dựng đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư (BT, PPP,...) cho việc đầu tư các công tình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển theo đô thị theo quy hoạch được duyệt;
Đồng thời tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu chính quyền các địa phương cần thực hiện: Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định… Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.
Khoản 7 Điều 62 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định “sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và công bố, nếu Nhà nước chưa thực hồi việc thu hồi thì các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch được phép tiếp tục khai thác sử dụng, cải tạo, sửa chữa và xây dựng tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng.”
Điểm a Khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng 2013 quy định điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn bao gồm “thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;” và tại khoản 5 Điều 94 quy định “Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.
Theo Trần Kháng
Dân Việt