"Đánh bạc" với đất đai vì thông tin quy hoạch mù mờ
(Dân trí) - Đã có biết bao trường hợp phải chấp nhận mất cọc tiền tỷ, thậm chí phá sản vì dồn tiền đầu cơ đất khi mù mờ thông tin về quy hoạch.
Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được quy định rõ tại Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Nhưng ở nhiều địa phương, quy định này được triển khai một cách hình thức hoặc không thực hiện.
Thống kê cho thấy, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã đăng tải tổng số 1.087 đồ án thực hiện quy hoạch; 10 địa phương chưa thực hiện và 12 địa phương chỉ một đồ án duy nhất được đăng tải.
"Việc công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng", đại biểu Lê Thanh Hoàn phát biểu trước Quốc hội. Và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường bất động sản… tại một số địa phương thời gian qua.
Theo quy luật lâu nay, hạ tầng giao thông và các dự án phát triển kinh tế "lan" đến đâu thì giá đất tăng đến đó. Thậm chí, chẳng phải chờ đến lúc dự án thành hình, thành khối, những cơn sốt đất đã manh nha ngay lúc đồn đoán, đề xuất. Chỉ "nghe nói" sắp có dự án này, dự án kia sắp được triển khai là ở địa phương đã rục rịch, xôn xao, người xe tấp nập về xem đất.
Nói đâu xa, ngay ở Hà Nội, việc xây dựng sân bay thứ 2 mới chỉ là thông tin trên báo chí và chưa có quyết định chính thức, song những ngày qua, nhiều thửa đất mặt tiền dọc theo Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Thường Tín) đang thu hút hàng chục lượt khách đổ về, có nơi giá bất động sản đã tăng theo cấp số nhân chỉ sau thời gian ngắn. Điều hài hước là mặc dù rầm rộ đăng tin rao bán mảnh đất ở Đại lộ Ninh Sở, huyện Thường Tín, để "ăn theo" đề án xây dựng sân bay thứ 2, nhưng khi được hỏi, người rao bán lại tư vấn một cách chung chung.
Hay như hồi tháng 3 vừa rồi, chỉ 3 ngày sau tin về quy hoạch, hướng tuyến một số tuyến giao thông trọng điểm tại tỉnh Bình Phước như cầu Mã Đà (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú); tuyến giao thông kết nối Bình Phước - Đồng Nai… giá đất trên tuyến đường ĐT753 (gần khu vực cầu Mã Đà) lập tức "nóng" lên.
Giá cả thị trường vận động theo cung - cầu, quy luật muôn đời vẫn vậy. Tuy nhiên, nói gì thì nói, giá đất có tăng cao cũng không thể vượt quá xa giá trị, đến một thời điểm nào đó, khi những thông tin "ì xèo" lắng xuống thì lập tức thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh.
Ai cũng biết rằng, đầu tư bất động sản cần đến lượng vốn rất lớn, thông thường nếu không nắm trong tay hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng thì đừng nghĩ đến việc mua một mảnh đất. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao lại có rất nhiều người "đánh cược" cả gia sản, thậm chí vay mượn nhằm "đánh quả" từ những thông tin phong thanh, không rõ ràng. Bởi rằng, dự án này, dự án nọ có thể được đề xuất, nhưng được chấp thuận hay không, triển khai hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác. Thậm chí, có dự án được phê duyệt song không thể triển khai do thiếu vốn, năng lực tài chính của nhà đầu tư có vấn đề…
Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện về "xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch" hơn 20 năm về trước. Biết bao nhiêu người "chôn vốn" ở đây cũng chỉ vì "đón đầu" dự án. Một khi "quả bom" thông tin bị vỡ, khi mà ai cũng ngã ngửa về những quy hoạch "ảo", quy hoạch "treo" thì lúc đó, người cuối cùng cầm "hòn than nóng" đất đai trên tay sẽ là người thiệt hại nặng nhất.
Ở một đất nước đang phát triển, chuyện "làm công cả đời không bằng lời lô đất" có thể đúng với nhiều người. Nhưng cũng nên lưu ý rằng, bên cạnh người "trúng số đất" là những người khuynh gia bại sản vì mộng làm giàu nhờ đất đai. Biết bao nhiêu trường hợp phải chấp nhận mất cọc tiền tỷ, thậm chí phá sản vì dồn tiền đầu cơ đất khi mù mờ thông tin về quy hoạch.
Nguy hiểm hơn nữa, những thông tin quy hoạch không chính xác được tung ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất kinh doanh của người dân địa phương. Chẳng hạn như tại huyện Hớn Quản (Bình Phước), cơn "sốt đất" ăn theo quy hoạch sân bay cách đây không lâu cũng đã khiến người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ đói, nghèo.
Vậy nên, việc công bố thông tin quy hoạch không đầy đủ, không kịp thời gây ra hiện tượng sốt đất, đầu cơ đất đai và làm thiệt hại cho người dân, địa phương có trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Thực trạng này cần có chế tài cụ thể, chứ không thể cứ mỗi lần báo cáo thiếu sót lại chỉ kiểm điểm, nhận trách nhiệm qua loa là xong.
Bên cạnh đó, với những trường hợp "cò đất" lợi dụng thông tin quy hoạch không rõ ràng, "bơm" tin đồn trục lợi cũng cần phải xử lý mạnh tay. Về phía các địa phương, khi xuất hiện thông tin thất thiệt cần có động thái công khai và đính chính kịp thời, đồng thời cảnh báo nhà đầu tư, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Với các nhà đầu tư, thiết nghĩ việc đầu tư vào đất đai hay bất cứ lĩnh vực nào mà mù mờ thông tin, chỉ dựa vào "nghe nói" và tin đồn không xác thực thì bản chất cũng không khác gì đánh bạc. Lúc đó, nếu tiền mất tật mang thì cũng đành "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" vậy!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!