Hà Nội "chốt" hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, sẽ xây thêm nhiều cây cầu
(Dân trí) - Học sinh tiểu học ở Hà Nội sẽ được hỗ trợ bữa ăn bán trú, thành phố cũng sẽ khởi công cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2/9 và cầu Thượng Cát dịp 10/10.
Chiều 9/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2025-2026.
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng là 30.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn khác của thành phố sẽ được hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Trường hợp phụ huynh học sinh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn so với mức Nhà nước hỗ trợ thì phần chênh lệch sẽ thu của người học (đảm bảo mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/học sinh/ngày).

Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).
Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học năm học 2025-2026 hơn 3.000 tỷ đồng; số đối tượng được hỗ trợ khoảng 768.000 học sinh, trong đó công lập khoảng hơn 707.000 học sinh, tư thục khoảng hơn 60.000 học sinh).
Cùng ngày, HĐND TP Hà Nội cũng thông qua 3 nghị quyết quan trọng gồm Nghị quyết quy định chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội (nghị quyết thứ nhất).
Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2026-2030 và Nghị quyết quy định chi tiết khoản 1, khoản 2 Điều 42 Luật Thủ đô về thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Với nghị quyết thứ nhất, các dự án thuộc phạm vi áp dụng nghị quyết này là các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, dạy nghề và thực hiện theo phương thức xã hội hóa đầu tư, thuộc danh mục ưu đãi do Chính phủ quyết định.
Nghị quyết này quy định UBND TP Hà Nội đề xuất miễn tiền sử dụng đất cho cả thời gian thuê đối với các dự án phi lợi nhuận và các loại hình dự án khác thì được đề xuất phân chia thành 3 khu vực với mức ưu đãi, miễn tiền thuê đất với mức lần lượt là 15 năm, 30 năm.
HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn; Nghị quyết quy định nội dung và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu HĐND nêu, ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết những tháng cuối năm, thành phố sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2/9 và cầu Thượng Cát dịp 10/10.
Thành phố sẽ tăng cường giải ngân Vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý IV; triển khai kế hoạch chống ngập úng, lắp đặt 50 trạm bơm tự động tại khu vực nội đô, xử lý các vi phạm trật tự đô thị.
Về việc bổ sung các tuyến đường sắt đô thị vào danh mục quy hoạch không gian ngầm, ông Dũng cho hay tới đây thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm khu vực nội đô để đảm bảo tổng thể với đề án phát triển đường sắt đô thị.
Theo ông Dũng, thành phố cũng sẽ nâng công suất xử lý rác lên 8.000 tấn/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu và hoàn thành nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn giai đoạn 2. Đồng thời, đẩy nhanh dự án xử lý nước thải Việt Hưng, Nam An Khánh, giảm 50% ô nhiễm sông nội đô trong năm nay.