Áp lực sau kỳ thi lớp 10: "Tối lên giường em không tài nào ngủ được"

Hoài Nam

(Dân trí) - "Thi xong, gác mọi thứ sang một bên", điều mọi người hay nói với nhau không mấy tác dụng với người trong cuộc. Sau thi, chờ điểm là thời gian căng thẳng nhất với các thí sinh thi lớp 10.

Chờ điểm thi, học trò mất ngủ

Một tuần nay, sau kỳ thi vào lớp 10, em N.T.D, nhà ở Phú Nhuận, TPHCM luôn trong tâm trạng nhấp nhổm, lo âu. D. tự chấm đi chấm lại bài thi các môn của mình, cho điểm bài thi. Tuy nhiên, khi thì điểm chấm nhích, lúc lại hạ xuống, ngồi tính từ 0.25 điểm, khiến em vô cùng lo lắng. 

Áp lực sau kỳ thi lớp 10: Tối lên giường em không tài nào ngủ được - 1

Chờ điểm thi là giai đoạn căng thẳng nhất với học trò (Ảnh: Hải Long).

Cô nữ sinh còn gọi cho bạn bè khắp nơi hỏi nhau về bài làm, về điểm, về khả năng đỗ vào trường theo nguyện vọng của mình. 

Em lên mạng, vào các diễn đàn dành cho học sinh để thăm dò về khả năng đỗ, rớt của mình. Chưa yên tâm, D. tiếp tục dò hỏi xem những trường tư thục nào chất lượng, học phí vừa phải như một cách để tìm lối thoát cho mình trong trường hợp thi rớt. 

"Toán 6, văn 7, tiếng Anh 4, em có đỗ vào Hiệp Bình không?", "Mình toán 7, văn 7,5, tiếng Anh 5 có đỗ vào Võ Thị Sáu không mọi người ơi?... Tiếp đó là hàng loạt nhận xét, đánh giá, tư vấn. Kể cả lúc 2, 3 giờ sáng, các trang diễn đàn học sinh TPHCM chờ điểm thi lớp 10 vẫn sôi động với những status, comment liên tục quanh tâm trạng chờ điểm, lo trượt. 

Dù tự nhủ, thi xong có lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì, nhưng D. chia sẻ rằng trong lòng vẫn bất an, nhấp nhổm không yên. 

Áp lực sau kỳ thi lớp 10: Tối lên giường em không tài nào ngủ được - 2

Hai mắt thâm quầng vì mất ngủ cả tuần nay, N.T.D trải lòng: "Tối lên giường em cũng không tài nào ngủ được khi nghĩ đến cảnh mình có thể rớt lớp 10. Em không biết phải đối diện với bố mẹ, bạn bè, thầy cô về cú sốc này như thế nào". 

"Mẹ nói không sao nhưng buồn rũ rượi"

Cùng với khoảng 94.000 học sinh trên toàn thành phố trải qua kỳ thi lớp 10 căng thẳng vào tuần vừa rồi, em Lê Đức T., ở Thủ Đức, TPHCM cho biết, mình cũng như nhiều bạn bè rất áp lực và lo lắng về việc đậu hay rớt. 

Dù T. trải qua thời gian học và ôn tập rất cố gắng nhưng bài thi có nhiều câu khó, T. lụi đại. Đánh giá bài làm của mình, T. thấy tình hình không khả quan, khả năng đỗ vào lớp 10 gần như không có. 

Bao nhiêu cố gắng giờ đây có thể đổi lại hai chữ "rớt lớp 10" làm T. suy sụp. Từ ngày thi xong, miệng cậu đắng ngắt, ăn gì cũng không ngon, đêm chỉ chập chờn chỉ ngủ được 1 - 2 tiếng. 

Áp lực sau kỳ thi lớp 10: Tối lên giường em không tài nào ngủ được - 3

Tại TPHCM và Hà Nội, trung bình cứ 2 em thi đỗ thì có em rớt tại kỳ thi vào lớp 10 công lập (Ảnh minh họa: Hải Long).

T. kể: "Khi mẹ gặng hỏi về tình hình thi, em không biết phải nói thế nào. Đến khi em lấy hết dũng khí nói rằng bài làm của mình khả năng không nổi 15 điểm đâu, chắc con rớt rồi! Mẹ nói không sao, đừng suy nghĩ nhiều nữa nhưng bà thở dài. Em cảm nhận được mẹ thất vọng và buồn rũ rượi".

Mới hôm qua, bác và cô đồng nghiệp của mẹ khoe con đỗ vào Trường Phổ thông Năng khiếu nên mẹ em càng buồn.

Nếu không đỗ vào lớp 10 công lập,  T. theo học dân lập như mong muốn của mẹ để hoàn thành chương trình THPT.  T. học trường tư sẽ là gánh nặng rất lớn với mẹ, người phụ nữ một mình nuôi hai anh em. Với T., đó như một món nợ... 

Đối với học sinh ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, thi lớp 10 công lập là một kỳ thi áp lực nhất trong cuộc đời học trò. Tại hai thành phố này, với chính sách phân luồng sau THCS, chỉ có 65-70% học sinh lớp 9 có chỗ ở học lớp 10 công lập.

Kỳ thi vào lớp 10 được nhiều người ví von như "nút thắt cổ chai" trên hành trình học tập của trẻ. Có những em bước đi tiếp và có những em phải tìm hướng mới trong tâm trạng là người thất bại, ít nhất trong một kỳ thi. Đặc biệt ở kỳ thi này, không chỉ phụ thuộc vào quá trình học tập, nỗ lực mà còn tùy thuộc vào cả sự may rủi khi chọn nguyện vọng. 

Tại TPHCM, gần 94.000 học sinh tốt nghiệp THCS dự thi vào lớp 10, cho chỉ tiêu học ở các trường THPT công lập là hơn 72.000 học sinh. Như vậy,  22.000 học sinh trực tiếp rớt từ kỳ thi. 

Không kém cạnh, tại Hà Nội, có hơn 106.000 học sinh thi vào lớp 10 với chỉ tiêu ở các trường công lập là 77.000 em. Khoảng 30.000 học sinh rớt khỏi kỳ thi phải tìm các hướng đi khác. 

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, kết quả thi lớp 10 ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và cả hành trình về sau của trẻ. Các em không chỉ áp lực phải đối mặt với bố mẹ, với thầy cô, bạn bè trong kết quả thất bại mà còn khó khăn trong việc lựa chọn con đường cho tương lai.

Vậy nên, thời điểm sau kỳ thi, nhất là khi có kết quả, gia đình, thầy cô cần thật sự quan tâm đến tâm lý con trẻ. Trung bình cứ hai em đỗ sẽ có một em rớt, bên những niềm vui, phấn khởi với kết quả tốt là những giọt nước mắt đau khổ, bế tắc...