Liệu có một cuộc “đốt bằng” vừa “hiếm”, vừa “lạ”?

(Dân trí) - Nếu như trong số 12 ngàn tấm bằng kia, có một ai đó một ngày nào đó bỗng dưng… thành thật, đem đốt tấm bằng tiến sĩ của mình với lý do “tôi không đủ trình độ để xứng đáng với tấm bằng cao quý đó” thì khi ấy mới vừa “hiếm”, vừa “lạ”, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra xung quanh việc Dinh Thanh Hung (sau này, xác minh là Đinh Thành Hưng), một du học sinh Nhật bản, đã đốt cả hai tấm bằng mà theo anh này nói, từng có lần đoạt thủ khoa.

Trong bài “Thanh niên đốt chứng chỉ du học gây tranh cãi” trên báo Dân trí, tác giả Mỹ Hà cho biết, Đinh Thành Hưng chia sẻ trên facebook cá nhân: “Hôm nay tấm bằng JLPT-N1 đã về đến tay. Lần này thi được 177 điểm, chắc cũng có số, có má tại Việt Nam. Quyết định đốt luôn. Đốt xong, nhớ ra hơn một năm trước thi kỳ thi cho du học sinh (EJU) bên Nhật cũng được thủ khoa khối du học sinh Việt Nam, tiện bật lửa, lôi ra đốt nốt...”.

Nói về nguyên nhân cũng như động cơ của việc đốt chứng chỉ du học, Đinh Thành Hưng bày tỏ: “Mình không dám phân bua nhiều về tính khả thi của việc cải cách giáo dục ở Việt Nam. Nhưng qua “tâm thư” đó, mình chỉ mong truyền tải tới các bạn một thông điệp về việc học. “hãy học như chưa hề biết gì… Mọi con đường đều có hai mặt. Quan trọng là cá nhân cảm thấy thoải mái. Mình không khuyên ai nên chọn con đường nào”.

Ngay lập tức, hình ảnh đốt bằng và tâm sự của Hưng đã gây ra nhiều tranh cãi và tất nhiên, thường chia thành hai phe khá rõ.

Những người đồng tình thì cho rằng việc làm của Hưng là bình thường bởi người đi học, động cơ (và cũng là mục đích) cao nhất là tích lũy cho mình kiến thức để thực hành hay thực thi ý tưởng của mình. Vì thế, bằng cấp chỉ là cái giấy hoàn toàn mang tính “chứng chỉ” chứ tuyệt nhiên không có giá trị nào khác.

Tuy nhiên, số phản đối thì cho rằng đó là việc làm không nên và thậm chí, không tồn tại ở Việt Nam, một đất nước mà bằng cấp mang tính quyết định trong tìm kiếm công việc.

Nhiều ý kiến còn dẫn chứng cụ thể, ngay cả các nước mà bằng cấp không trở thành “chủ nghĩa” thì việc cần phải có bằng cấp là bắt buộc. Ví dụ, sẽ chẳng nơi nào cho phép một người làm nghề chữa bệnh mà lại không có một tấm bằng về y khoa chẳng hạn.

Ngay cả việc lái xe ô tô, cũng không thể học xong là đem tấm bằng đó… đốt.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng hành động của Hưng là “ngạo mạn” nhằm… đánh bóng tên tuổi?!. Hay việc đốt bằng là xúc phạm đến nơi đã đào tạo, cấp bằng cho mình.

Thực ra, việc đốt hai tấm bằng đó là việc làm của cá nhân nên cá nhân người đó phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Vả lại, xét ở một góc độ nào đó, nó “chẳng chết ai” cả.

Song, sự việc trên lại được dư luận quan tâm có lẽ bởi mấy lý do.

Thứ nhất, đây là hành động hiếm thấy ở Việt Nam, nơi mà bằng cấp đã trở thành “tấm bùa hộ mệnh” và việc sử dụng bằng cấp đã trở thành “chủ nghĩa”. Nơi mà người ta cố sống, cố chết để kiếm lấy một tấm bằng, dù đó là bằng mua, bằng mượn. Nơi mà tấm bằng có tính “quyết định” không chỉ công ăn, việc làm mà cả con đường thăng tiến.

Thứ hai, có lẽ hiếm có quốc gia nào mà người ta sử dụng con người ít quan tâm đến năng lực thực sự mà chủ yếu là xem ở bằng cấp và những điều ghi trong lý lịch. Bi kịch ở chỗ, với mỗi con người thì hiện tại và thì tương lai mới là quan trọng, trong khi lý lịch thuộc về thì dĩ vãng.

Thứ ba, có một câu nói đã chỉ ra bản chất cũng như “địa chỉ đến” của nạn bằng giả, đó là các cơ quan Nhà nước như lời của ông Phạm Vũ Luận từng nói thẳng khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, rằng bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào bộ máy nhà nước.

Thời gian gần đây, báo Dân trí vừa đăng tải loạt bài có nội dung rất bức xúc: “Việt Nam có trên 12.000 tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học”, “Trang cãi quanh 90 tỉ đồng cho một bài báo khoa học quốc tế” và bài “Hai con số giật mình… người đóng thuế”...

Trở lại với việc đốt bằng của Đinh Thành Hưng.

Về cá nhân, mình cho rằng việc một thanh niên mang đốt hai tấm bằng là hiếm nhưng… chưa lạ. Song, nếu như trong số 12 ngàn tấm bằng kia (không loại trừ có thể có “bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả” như lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận), có một ai đó một ngày nào đó bỗng dưng… thành thật, đem đốt tấm bằng tiến sĩ của mình với lý do “tôi không đủ trình độ để xứng đáng với tấm bằng cao quý đó” thì khi ấy mới vừa “hiếm”, vừa “lạ”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám