Tranh cãi quanh 90 tỷ đồng cho 1 bài báo khoa học quốc tế
(Dân trí) - Với 2.000 người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) trong 5 năm qua có tổng cộng 22 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học ISI. Trong khi đó, kinh phí nhà nước "rót" xuống là trên 2.000 tỷ đồng (tương đương 90,6 triệu USD).
2.000 tỷ đồng và 22 bài báo ISI
Nhóm dự án S4VN (Trắc lượng Khoa học Việt Nam) vừa công bố bảng thống kê ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN (VASS) giai đoạn 2011-2015
Theo đó, tổng cộng số lượng bài báo công bố ISI của VASS trong 5 năm qua là 22 bài (tổng số lượt trích dẫn là 63). Năm có kết quả cao nhất là 2013 với 7 bài (20 trích dẫn) và năm thấp nhất là 2011 với 2 bài (1 trích dẫn).
Mới đây, nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Ngọc Sơn (ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức) tiếp tục đưa ra những con số về ngân sách cho VASS trong tương quan với những kết quả nổi bật mà VASS đạt được.
Cụ thể, trên cơ sở số liệu ngân sách nhà nước được công bố bởi Bộ Tài chính, anh Sơn cho biết, trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), ngân sách nhà nước đã "rót" hơn 2.000 tỷ đồng tương đương 90,6 triệu USD cho VASS. Riêng năm 2015, Viện có 5 bài báo công bố quốc tế ISI và tổng chi phí tiêu tốn lên đến 504,5 tỷ đồng (khoảng 22,67 triệu USD).
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nơi tập trung các nhà khoa học xã hội đầu ngành, với trên 2.000 người, trong đó hơn 700 cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, làm việc trong 5 đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, 32 đơn vị nghiên cứu khoa học, 5 đơn vị sự nghiệp khác (trong đó có 1 cơ sở đào tạo sau đại học và 2 nhà xuất bản).
Cùng với đó là nhiều viện nghiên cứu thành viên có trụ sở chính tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đặt tại thành phố Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ sở đào tạo sau đại học về các ngành khoa học xã hội với 58 chuyên ngành đào tạo, trong đó có 44 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ và 14 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ. Ngoài ra, tại VASS còn có 32 tạp chí khoa học được xuất bản bởi các viện nghiên cứu thành viên.
"Những con số biết nói"
Xung quanh những số liệu nói trên đã có những tranh luận đáng chú ý. Theo anh Lê Ngọc Sơn thì đây là "những con số biết nói" khi chưa cần quan tâm đến chất lượng mà chỉ xét trên góc độ hiệu quả kinh tế và năng suất lao động. Anh Sơn cho rằng, đặt trong bối cảnh VASS có tới 2.000 người thì năng suất này không bằng một nhóm nhỏ các nhà khoa học châu Âu làm việc.
Một tài khoản Facebook là Tam Nguyên cho rằng, nếu chỉ xét riêng khía cạnh công bố bài báo ISI thì chỉ cần 1 triệu USD, nhiều phòng nghiên cứu của các trường đại học đều có thể làm được, thậm chí là làm được nhiều hơn. Tài khoản này dẫn chứng, quỹ khoa học công nghệ Nafosted chi khoảng 700-800 triệu đồng cho đầu ra là 2 bài báo ISI, như vậy với 1 triệu USD thì có thể làm được hàng chục bài báo ISI.
"Người tài ở Việt Nam không thiếu, vấn đề là họ có được đối xử công bằng và được cạnh tranh một cách lành mạnh hay không", tài khoản này nhận xét.
Trong khi đó, một ý kiến khác thì cho rằng, nói gì thì nói, VASS vẫn có nhiều công bố ISI hơn không ít các học viện, viện nghiên cứu khác ở Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân Trí, anh Ng.V. Dũng, một người từng làm Tiến sĩ tại Đại học Missouri (Columbia, Missouri, Mỹ) nhẩm tính, với 90 tỷ đồng cho 1 đề tài, đây là một con số lớn. Tuy nhiên, anh cũng lưu ý rằng, chi phí của các nghiên cứu khoa học còn tùy thuộc vào tính chất đặc thù của lĩnh vực nghiên cứu, quy mô, phạm vi đề tài, sự phức tạp của đề tài.
"Có những đề tài mang tính kinh tế, xã hội rộng lớn sẽ tiêu tốn rất nhiều sức lực, tiền của và cả chi phí cơ hội, do đó, rất khó để nói cần bao nhiêu tiền cho một đề tài khoa học, và rằng 90 tỷ đồng/đề tài liệu có xứng đáng không. Chúng ta không phải là cơ quan đánh giá chuyên môn để kết luận, đánh giá được sự cần thiết, chất lượng của đề tài đó" - anh Dũng cho biết.
Ngoài ra theo anh, bên cạnh tiền chi trả cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện thì ngân sách còn được sử dụng cho chi trả các khoản chi thường xuyên (lương nhân viên, tiền máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng, chi phí tiếp khách...). Riêng trong hoạt động nghiên cứu cũng không thể nói là đầu ra chỉ có 4-5 bài báo ISI hàng năm mà bên cạnh đó còn có những nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp nhà Nhà nước; tham gia vào việc xây dựng những dự thảo mang tính chất kinh tế - xã hội, chính trị, tầm ảnh hưởng lớn.
Nói về công việc nghiên cứu khoa học, anh Phạm K, một người từng làm việc tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết, anh nghiên cứu trong ngành ứng dụng công nghệ bán dẫn vào nghiên cứu cảm biến với kích thước cỡ micrometre, đây là một ngành học có tính đặc thù lớn.
"Nhiều máy móc rất đắt đỏ mà nhiều tập đoàn lớn cũng chưa hẳn đã mua được cho bộ phận nghiên cứu của công ty mình, có những máy giá tới hàng chục triệu USD. Chi phí thí nghiệm cho mỗi người tham gia nghiên cứu khoảng 200-300 USD/ngày, có những lúc tới 1.000 USD/ngày và do nhà trường chi trả" - anh K chia sẻ.
Anh K lưu ý thêm rằng, làm nghiên cứu khoa học khác với bộ phận phát triển của công ty, không chỉ nghiên cứu ra những công trình khoa học mang tính áp dụng thực tiễn mà bao gồm cả những công trình mang tính hàn lâm, các công trình khoa học cơ bản.
Do đó, chưa đề cập đến lương cho người làm nghiên cứu, những người làm khoa học trong các lĩnh vực như anh Khang ở nước ngoài dù muốn về nước làm việc cũng rất khó chủ yếu là do Việt Nam thiếu thốn thiết bị và tài nguyên. "Tài nguyên không chỉ là tiền mà còn là các mẫu vật liệu cần thiết cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, còn có yếu tố con người như cần có đồng nghiệp, người hướng dẫn, những người có kinh nghiệm để học hỏi, trao đổi..." - anh K cho hay.
Tuy vậy, theo anh Ng.V. Dũng, rõ ràng người làm khoa học phải dồn công việc chính vào công tác khoa học nhưng cũng có những trường hợp các cơ quan nghiên cứu vẫn lạm dụng công quỹ để "chia chác" lẫn nhau, tiêu tiền vô tội vạ, đây là vấn đề cần kiểm soát kỹ.
Anh Dũng chia sẻ: "Thời còn ở Mỹ, trong trường có vị giáo sư nào, chỉ cần biết tên thì sinh viên trong trường đều có thể truy cập thông tin biết thu nhập của ông ta trong năm bao nhiêu, lương thế nào. Chỉ cần là những khoản sử dụng ngân quỹ công thì đều tra cứu được nguồn tiền đó đã được sử dụng như thế nào, chi trả cho những vấn đề gì, tất cả đều công khai. Đây là điều Việt Nam nên học hỏi".
Bích Diệp