Hai con số “giật mình”… người đóng thuế!
(Dân trí) - Vâng, có hai con số “giật mình” người đóng thuế. Đó là theo thông tin trên báo Dân trí, bài “Tranh cãi quanh 90 tỷ đồng cho 1 bài báo khoa học quốc tế”, tác giả Bích Diệp cho biết với biên chế 2.000 người và số tiền 2.000 tỉ đồng ngân sách, 5 năm qua Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) có tổng cộng 22 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học ISI.
Tính bình quân, Nhà nước phải chi 90 tỷ đồng tiền ngân sách cho 1 bài báo khoa học quốc tế và cũng tính bình quân, khoảng 90 người/5 năm mới có một bài báo.
Con số trên được lấy từ nhóm dự án S4VN (Trắc lượng Khoa học Việt Nam) mới công bố bảng thống kê ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS).
Đọc những dòng trên, không khỏi giật mình bởi số tiền 90 tỉ đồng rất lớn, nó tương đương với khoảng 4 triệu USD (không biết nó tương đương với bao nhiêu tấn thóc nhỉ? Chịu!) nên chắc nhiều người không khỏi “giật mình ngã ngửa”. Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận nó ở nhiều khía cạnh để bớt… “giật mình”.
Thứ nhất, đó là giá trị của những bài báo (có thể coi như một công trình khoa học). Nếu như nó có vị thế thay đổi nhận thức của nhân loại, ví như Thuyết tương đối của Nhà bác học thiên tài Anhxtanh chẳng hạn, thì 90 tỉ chứ 900 tỉ đồng là rẻ, quá rẻ. Tất nhiên, trong số 22 bài báo đó thì yên tâm đi, không có cái gì bằng… 1/10 Thuyết tương đối đâu.
Song, điều thứ hai mới đáng lo ngại, là trong số 2.000 tỉ đồng đó bao nhiêu % thực chất chi cho nghiên cứu khoa học và bao nhiêu % chi cho những khoản “ngoài luồng” khác?
Xin đơn cử nhìn từ những con số mà bài báo trên công bố thì Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tuy có trên 2.000 người nhưng chỉ có hơn 700 cán bộ khoa học và có tới 32 đơn vị nghiên cứu khoa học và 5 đơn vị sự nghiệp khác.
Như vậy là thực tế trong số hơn 2.000 người đó, chỉ có 1/3 là các nhà khoa học. Và trong số 1/3 đó, không biết có bao nhiêu người là nhà khoa học “đích thực” nhỉ? Sở dĩ đặt câu hỏi này, bởi giờ chuyện bằng giả, học vị giả cũng không là chuyện hiếm ở Việt Nam ta.
Rồi trong số 37 đơn vị đó, mỗi năm phải chi bao nhiêu cho những người phục vụ từ kế toán, thủ quỹ, lái xe, văn phòng…
Đó là chưa kể cái câu chuyện “hoa hồng, hoa huệ” cho mỗi đề tài khoa học nếu muốn được OK?
Cho nên, hoàn toàn có thể những nhà khoa học chân chính, dốc lòng cho khoa học thật sự cũng chỉ là “giai cấp cần lao” để cho một bộ phận nào đó sống trên đầu, trên cổ kiểu “Thằng còng lưng làm cho thằng thẳng lưng ăn”?.
Song, nói gì thì nói, việc Nhà nước phải bỏ ra tới 2.000 tỉ tiền ngân sách (thực tế là tiền thuế của dân) mà chỉ đem về vẻn vẹn có 22 bài báo và trình độ khoa học, kỹ thuật Việt Nam vẫn luôn xếp thứ hạng “lè tè” trong bảng xếp hạng khu vực thì người đóng thuế không khỏi không… giật mình ngã ngửa.
Có một câu chuyện thời sự khiến người đóng thuế “ngã ngửa” mà không kịp… “giật mình”. Đó là theo thông tin từ Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) thì hiện tại cả nước có khoảng 12.000 tiến sĩ. Thế mà cho đến nay, nguyên nhân cá chết ở Hà Tĩnh vẫn chưa phát hiện ra, đang tính phải thuê các nhà khoa học nước ngoài… làm giúp.
Trở lại với câu chuyện 90 tỉ đồng/bài báo, theo mình có lẽ cần phải thay đổi theo phương án “khoán” cho khoa học chẳng hạn. Có thể việc “khoán” sẽ thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển hoặc chí ít, các nhà khoa học chân chính không bị biến thành “công cụ lao động” cho những người thậm chí không biết tý gì về khoa học, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám