Học… để làm gì?

(Dân trí) - “Ngô Bảo Châu không phải là học sinh khiến tôi tự hào nhất, ưng ý nhất. Niềm tự hào lớn nhất của tôi là một cậu học trò giờ làm nghề sửa xe” – một chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại trên tờ Tri thức trẻ gần đây đã khiến tôi không khỏi không suy nghĩ.

Học… để làm gì? - 1

Người học trò đó của thầy Đại cũng du học, có tới hai bằng đại học ở nước ngoài – tức là có trong tay trình độ học vấn nhiều người phải ngưỡng mộ, có rất nhiều cơ hội để có những công việc tốt (theo nghĩa có thu nhập tốt và có thể có địa vị xã hội cao). Tuy nhiên, người này lại từ chối công việc văn phòng mà mở một quán sửa xe để thoả đam mê “ngày nào cũng được vặn ốc” của mình.

Nghe có vẻ… kỳ quái và ngược đời. Thế nhưng, GS Hồ Ngọc Đại nói rằng, ông cảm thấy hài lòng vì người học trò đã trở thành chính mình, biết mình muốn gì, thích gì – ông gọi đó là “giáo dục thành công”.

Bài viết này xin gác lại những tranh cãi về phương pháp giáo dục cụ thể, về cách đánh vần, về những vuông-tròn-tam giác… mà chỉ đề cập đến quan điểm giáo dục. Rõ ràng, ngay từ trong quan niệm, đích đến thành công mà GS Hồ Ngọc Đại đưa ra cho học trò của ông đã rất khác với nhiều người.

Phần lớn chúng ta đều là kỳ vọng của bố mẹ chúng ta ngày trước, và nay, chúng ta lại đặt kỳ vọng đó lên các con mình: Chúng ta mong các con trở thành người thành đạt, gặt hái được thành công và làm gia đình, họ hàng được nở mày, nở mặt…

Khái niệm thành công thì rất vô cùng và mơ hồ, tuy nhiên, cũng có những chuẩn mực nhất định: Chẳng hạn khi đi học thì cuối năm phải có danh hiệu, có giấy khen, bằng khen; đi làm rồi thì lương bao nhiêu, có nhà, có đất, có xe gì; làm chức vụ như thế nào ở cơ quan, tổ chức; thậm chí là vợ/chồng ra sao… Tất cả đều được so sánh với “con nhà người ta”, hoặc đơn giản hơn là so sánh với chính bố mẹ, với người trong nhà.

Sẽ là vội vàng nếu phủ nhận về những kỳ vọng và cả những áp lực mà phụ huynh trong những thành công cho con cái. Tuy nhiên, sức ép không phải bao giờ cũng đi liền với hiệu quả, thậm chí còn có tác dụng ngược. Ngay cả ở những trường hợp thành công theo ý phụ huynh thì bản thân con cái cũng không hạnh phúc và không phát triển được hết khả năng của mình.

Cho nên, dẫu còn những ý kiến nhất định về công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì người viết vẫn rất đồng tình với quan điểm giáo dục của ông. Học hành cần là một quá trình mà trẻ cảm thấy hạnh phúc và say mê khám phá để hiểu rõ về khả năng của mình, từ đó làm công việc phù hợp nhất với bản thân, sống đàng hoàng, tử tế. Đó không phải là sự nhồi nhét kiến thức, bạo hành về tinh thần và nhào nặn thành khuôn mẫu.

Quan điểm giáo dục này sẽ làm thay đổi ý thức xã hội, và hẳn rằng, nếu ai cũng suy nghĩ về “thành công” và “hạnh phúc” như vậy thì sẽ chẳng còn chuyện cố chạy việc, chạy chức, chạy quyền làm gì (!).

Người viết tôn trọng việc nhân rộng công nghệ giáo dục (đã thực nghiệm tới 40 năm) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Có điều, cũng giống như một cuốn sách cần có phần “giới thiệu” và “đánh giá”, ít nhất là để không xảy ra những tranh cãi, hiểu lầm không đáng có. Quan trọng hơn là để phụ huynh và học sinh được lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh.

Bởi, trong khi có những người sẵn sàng xô đổ cả cổng trường để nộp hồ sơ cho con học chương trình thực nghiệm thì cũng có những người muốn tiếp tục gửi gắm con cho chương trình giáo khoa truyền thống. Thậm chí, có người cho con học ở nhà (homeschooling), hay học mà khôngtheo chương trình nào cả (nonschool).

Mỗi bậc cha mẹ đều có triết lý, có quan điểm riêng về nuôi dạy con cái và tốt nhất là hãy luôn để họ được lựa chọn một cách chủ động, miễn là “học để làm người tốt”.

Bích Diệp