"Độ nhạy" của Kit test Việt Á
Trong vòng 6 tháng tính từ cuối năm 2021 đến nay, "cơn bão" liên quan đến Kit test Việt Á đã khiến hơn 60 cán bộ ngành y bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế và hàng loạt lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành. Nhiều ý kiến nhận định với quyết tâm xử lý nghiêm minh các sai phạm và diễn biến vừa qua, danh sách cán bộ ngành y vướng vòng lao lý có thể chưa dừng lại. Đây là điều không ai muốn, nhưng là thực tế.
Về chất lượng của Kit test Việt Á, xin để các nhà chuyên môn và cơ quan chức năng kết luận. Nhưng "độ nhạy" của nó trong việc phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực thì rất rõ ràng. Hiếm có loạt vụ án nào mà danh sách bị truy tố lại nhiều và trải rộng trên hàng loạt tỉnh, thành như vậy.
Đằng sau "độ nhạy" của Kit test Việt Á là gì? Đó là con số 4.000 tỷ đồng doanh thu của Công ty này nhờ cung ứng Kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên cả nước. Đó là hành vi nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng… của Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, và các đồng phạm theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra. Khoản Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân được cho lên đến gần 800 tỷ đồng.
Vấn đề đáng bàn ở đây là, sai phạm không chỉ ở một vài cá nhân đơn lẻ mà liên quan đến hơn 60 cán bộ ngành y ở cả Trung ương và địa phương. Ai sai thì phải trả giá, phải được xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên "chuỗi" sai phạm này cần được "mổ xẻ" đến tận cùng để tìm ra cơ chế, biện pháp sớm ổn định ngành y sau chuỗi ngày sóng gió. Trong xã hội không phải nghề nào cũng được gọi là "thầy" như nghề thầy thuốc. Một nghề được đề cao ở y đức vì công việc của họ quyết định trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người khác. Hơn nữa, chúng ta đều biết rằng rất khó khăn để đào tạo một bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi, có quá trình công tác khẳng định năng lực và được đề bạt lên vị trí lãnh đạo. Vậy mà hàng loạt cán bộ ngành y đã vướng lao lý trong thời gian ngắn, đó là điều rất đáng tiếc.
Tôi từng dự nhiều phiên tòa xét xử vụ án kinh tế, với bị cáo là cán bộ lãnh đạo ở các cấp khác nhau. Một điểm chung là các bị cáo thường tự bào chữa "bản thân hiểu biết về kinh tế còn hạn chế nên mới dẫn đến vi phạm". Ngược lại lời bào chữa này, dư luận cho rằng, đã lên tới cấp đó thì bị cáo phải có trình độ, có sự hiểu biết quy định pháp luật trong lĩnh vực mình quản lý, nếu thực sự "thiếu hiểu biết" thì ngay từ đầu không nên ngồi ghế lãnh đạo. Các cán bộ ngành y liên quan đến vụ Việt Á cũng vậy, không thể nói là họ "thiếu hiểu biết" quy định pháp luật, mà vấn đề quan trọng nhất ở đây theo tôi là: Ai đó có giữ mình trước cám dỗ được hay không?. Món lợi lớn đã làm "mờ mắt" nhiều người, hay nói cách khác "độ nhạy" của Kit test Việt Á làm "lộ sáng" khâu yếu về sự liêm chính của những đã bị cơ quan chức năng "gọi tên".
Cùng với đó, việc hàng loạt cán bộ ngành y vướng lao lý đặt ra vấn đề cần rà soát, xem lại cơ chế "lại quả" trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế. Một mặt là bịt "kẽ hở" có thể bị lợi dụng, mặt khác để cán bộ yên tâm công tác với các quy định công khai, minh bạch, phù hợp với thực tế và không bị "bó chân, bó tay". Thiết nghĩ việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đấu thầu vật tư y tế cần được xếp vào nhóm việc cần làm ngay.
Cũng liên quan đến Kit test Việt Á, các cấp có thẩm quyền cần xem lại quy trình phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, quy trình đưa sản phẩm vào sản xuất, không để phát sinh tiêu cực ở khâu quan trọng này.
Cuối cùng, theo dõi vụ án trên, tôi có băn khoăn, không rõ năng lực của Công ty Việt Á như thế nào mà sản xuất, cung ứng được số lượng Kit test nhiều đến vậy? Nếu lấy doanh thu bán hàng chia cho đơn giá tiền/que test, thì Việt Á đã bán được hơn 8,5 triệu Kit test. Trong khi đó, thông tin nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của đơn vị này vẫn còn khá mù mờ với dư luận. Về vấn đề này, mong rằng khi cơ quan điều tra ban hành kết luận sẽ làm rõ để người dân nắm được "đường đi" của Kit test Việt Á.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, viết mảng xã hội; hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!