Vụ Việt Á: "Nhiều cán bộ như thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền"
(Dân trí) - "Một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất đến cùng cực, vô cảm với nỗi đau mất mát của chính đồng bào mình. Họ đã biến mình thành những con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền" - ông Tuấn nói.
Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021.
"Thất thoát, lãng phí niềm tin của nhân dân"
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc đấu thầu mua sắm, mua sắm tập trung vi phạm nghiêm trọng các quy định xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á, gây thất thoát lãng phí, kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.
"Vụ án Việt Á không chỉ dừng lại ở việc gây thất thoát, lãng phí, kinh phí, tài sản công mà nó còn gây thất thoát, lãng phí một loại tài sản khác có giá trị quý giá hơn và quan trọng hơn là lãng phí niềm tin của nhân dân" - ông Tuấn nhấn mạnh và lý giải "có niềm tin là có tất cả, nhưng khi mất niềm tin thì nguy hại khôn lường".
Theo ông Tuấn, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đến nay, nước ta đã có 43.000 người tử vong và gần 4.500 trẻ em phải chịu cảnh mồ côi, chắc chắn cuộc sống của các em phải chịu thiệt thòi trong thời gian sắp tới.
Đề cập tới những nỗi đau do Covid-19 gây ra, vị đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng nỗi đau lớn nhất là sự tha hóa biến chất, vô cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên với chính những mất mát của đồng bào mình.
"Trong khi cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, sĩ quan, chiến sĩ, lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có những người đã hi sinh tính mạng của mình để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng thì lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất đến cùng cực, vô cảm với những nỗi đau mất mát của chính đồng bào mình. Họ đã biến mình thành những con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền, trong số đó có cả những người có học hàm, học vị, những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ.
Chỉ mới đây thôi, chính họ là những người được tôn vinh, có người còn được trao tặng Huân chương Lao động. Nhưng trong chớp mắt, cơn đại dịch Covid-19 đi qua, họ đã trở thành những phạm nhân từ những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy mưu hèn, kế bẩn của Việt Á. Chính họ đã làm hoen ố chiếc áo blouse trắng thanh cao đang khoác trên người; cũng chính họ đã làm lãng phí niềm tin của nhân dân. Họ làm sai thì họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật" - ông Trần Quốc Tuấn cho hay.
Theo đại biểu đoàn Trà Vinh, trong vụ án Việt Á, rất may Bộ Công an đã vào cuộc kịp thời, quyết liệt để xử lý hàng loạt cán bộ tha hóa, biến chất, góp phần củng cố lại niềm tin của nhân dân.
"Giá như không xảy ra những vụ việc đau lòng, để không làm lãng phí niềm tin của nhân dân!" - ông Tuấn bày tỏ sự đáng tiếc.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm chung.
Lúng túng, bị động trong việc bố trí xe công
Quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản nhà nước với các chế độ, định mức cụ thể là một trong những việc làm rất cần thiết.
Ông Phước nêu thực tiễn cho thấy những tiêu chuẩn, định mức khi không còn phù hợp, xa rời thực tế sẽ cản trở, gây khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ, gây lãng phí, thất thoát, bất cập trong việc quy định tiêu chuẩn, định mức không còn phù hợp với thực tế, yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
"Tiêu biểu là việc bố trí xe công phục vụ công tác. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều gặp nhiều khó khăn, lúng túng, bị động trong việc bố trí xe công sang công tác, nhất là các tỉnh có nhiều đơn vị hành chính có huyện miền núi, địa hình phức tạp, tiêu chuẩn, định mức trang bị xe chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ như các Ban công tác xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương hầu hết đều bố trí một Ủy viên Ban Thường vụ và một số Sở, ngành phải thường xuyên đi công tác ở các cơ sở nhưng chỉ được trang bị một xe ô tô…" - ông Phước thông tin.
Theo đại biểu đoàn Quảng Nam, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy việc cắt giảm số lượng xe công nhưng không xét đến các yếu tố dân số, diện tích, điều kiện tự nhiên đã gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ông Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định theo hướng nâng định mức xe ô tô phục vụ công tác cho các Ban xây dựng Đảng thuộc các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tối thiểu 2 xe trên một đơn vị, bổ sung quỹ xe cho tỉnh từ 8-10 xe ô tô tùy đặc điểm, tình hình, diện tích, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh và giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế để phân bổ… Qua đó, tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở, kịp thời giải quyết những yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.