Định kiến và phán xét
Không phải gần đây khi nhà thơ Dạ Thảo Phương công khai chuyện bị xâm hại tình dục thì mạng xã hội mới xôn xao về vấn nạn này. Trước đó, cũng đã có những vụ xâm hại, quấy rối bị bóc trần và đưa ra ánh sáng.
Mới đây thôi, một nhân vật lọt vào danh sách Under 30 năm 2022 của Forbes Việt Nam, cũng bị tố quấy rối tình dục và sau đó không còn tên trong danh sách này.
Điều đáng bàn là khi một người nào đó dám đứng ra tố cáo, thay vì tìm được sự đồng cảm từ số đông, họ có thể trở thành nạn nhân của tình trạng "tấn công mạng", bị đưa ra bình phẩm, phán xét. Phải chăng vì vậy, không nhiều vụ việc mà nạn nhân dám thổ lộ, công khai danh tính của mình.
Tháng 2/2017, một bé gái 13 tuổi đã cảm thấy bế tắc đến mức tự vẫn sau khi gia đình tố cáo cháu bị hàng xóm xâm hại tình dục. Cùng năm đó, một số nghệ sĩ quyết định công khai về quá khứ từng bị xâm hại tình dục của mình, kết quả, họ bị gán mác "PR", "đánh bóng tên tuổi".
Tôi tự hỏi, có phải với phần lớn nạn nhân bị xâm hại, họ thà đối diện với những nỗi đau đớn, ám ảnh vì bị xâm hại, họ chọn im lặng, "sống để bụng, chết mang theo" thay vì công khai, tố cáo, chính bởi nỗi sợ họ sẽ phải trải qua những nỗi đau khác, phải chịu sự phán xét, sự tấn công ngược từ phía dư luận hay không? Dư luận nhiều khi được hợp thành bởi những lời nói, ý kiến riêng lẻ. Trong khi đó, nhiều người thản nhiên đưa ra lời phán xét vô trách nhiệm, không kiểm chứng với người khác, mà không cần quan tâm rằng họ đang góp phần tạo nên dư luận.
Một xã hội văn minh, lành mạnh là nơi mà những hành vi xấu phải chịu sự trừng phạt và bị loại bỏ. Một xã hội tiến bộ phải là nơi mà vai trò người phụ nữ được đề cao. Vậy nhưng hành động của không ít người góp phần tạo nên dư luận kể trên, lại đang phản ánh một góc tối khác tiềm ẩn trong tư duy, lề thói, là định kiến hạ thấp giới nữ, là thói quen bắt nạt kẻ yếu.
Tôi lấy ví dụ, khi xuất hiện một nhân vật nữ xinh đẹp nào đó thành công trong kinh doanh, thăng tiến trong sự nghiệp, lập tức sẽ có những bình phẩm, phỏng đoán về sự thành công đó có thực chất hay không. Định kiến "não ngắn, chân dài" dù rất vô căn cứ nhưng xuất hiện khắp mọi nơi. Tương tự, dù ước mơ của mọi người là đạt đến hạnh phúc, giàu sang, nhưng đâu đó vẫn có tồn tại định kiến về người giàu, mà đúng ra là sự đố kỵ. Hay là khi xuất hiện những tài năng trẻ tuổi (quán quân một cuộc thi, hoặc hiện tượng thần đồng) thì lập tức cũng sẽ có tình trạng "bắt nạt trực tuyến", tấn công tinh thần nếu chẳng may các nhân tài này lộ sơ suất ở mặt nào đó. Những cái tên Đỗ Nhật Nam hay Huyền Chíp một thời, nếu không thực sự bản lĩnh, họ cũng sẽ khó lòng vượt qua được áp lực dư luận.
Sự phát triển của internet, mạng xã hội về lý thuyết sẽ giúp con người rút ngắn khoảng cách với nhau, dễ dàng tương tác và kết nối, dễ dàng bộc lộ suy nghĩ của bản thân, đồng thời cũng dễ dàng tiếp cận với những giá trị tiến bộ. Tuy nhiên, không ít người vẫn đang giữ thói quen tiếp nhận thông tin bằng định kiến. Họ chỉ nghe những điều họ muốn nghe, đọc thông tin theo hướng "xác nhận định kiến".
Một xã hội văn minh sẽ không thể được dựng xây chỉ dựa trên phỏng đoán tiêu cực, thiếu tôn trọng sự thật và hạ thấp người khác. Nếu vẫn bảo thủ với nếp tư duy mang màu sắc định kiến như vậy, con người ta khó trở nên tốt hơn.