Bệnh “luộc tây” ?

(Dân trí) - Đến Việt Nam, với gia đình chồng tôi, mọi thứ đều mới mẻ. Họ tỏ ra thích thú nhận được thái độ chào đón nồng hậu, nhưng ngặt một nỗi, sau nụ cười niềm nở, khi thanh toán tiền, tôi lại bị “hét” vào mặt một cái giá từ trên trời rơi xuống.

Bệnh “luộc tây” ?   - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tôi là con gái Việt. Dù lấy chồng ngoại quốc, định cư ở quê chồng nhưng chưa lúc nào tôi quên người quê mình sống nặng sâu nghĩa tình. Tôi vẫn hay bảo ông xã tiếng Việt còn chưa sõi rằng “người Việt Nam sống rất thuần phác”. Khi nào có dịp, tôi sẽ giới thiệu về văn hóa đậm đà tình nghĩa của đất nước tôi với anh. Dịp ấy cuối cùng cũng đến...

2 năm sau ngày cưới nhau bên đất nước của chồng, qua biết bao ngày vợ chồng làm lụng vất vả, chúng tôi cũng dành dụm được một khoản tiền, quyết định về Việt Nam cưới lại theo phong tục để bố mẹ tôi khỏi tủi có con gái gả chồng xa. Cùng về với chúng tôi có mẹ chồng và cô em chồng tôi nữa.

Đặt chân đến Việt Nam, với gia đình chồng tôi, mọi thứ đều mới mẻ. Họ tỏ ra thích thú trước phố phường cổ kính, hàng quán, xe cộ và nhất là thái độ niềm nở, mến khách của người dân. Mấy ngày đầu đưa gia đình chồng đi dạo phố, mua sắm, ăn hàng, tôi hạnh phúc vì nhận được thái độ chào đón nồng hậu ấy. Ngặt một nỗi, sau nụ cười niềm nở của các bà, các chị bán hàng, cứ đến khi thanh toán tiền, là tôi lại bị “hét” vào mặt một cái giá từ trên trời rơi xuống. Hôm tôi đưa mẹ chồng và em chồng đi sơn sửa móng tay, xong xuôi người ta thu của chúng tôi... 10 đô/1 người. Mẹ và em chồng tôi không hiểu tiếng Việt nên vẫn cười tươi, còn tôi vừa móc túi trả tiền vừa sốc!

Lần khác, vợ chồng tôi đi nghỉ ở một khu resort. Chồng tôi muốn chơi jet ski trên biển, nhưng khu resort chúng tôi ở không có dịch vụ này. Họ đã rất tận tình hướng dẫn và giúp chúng tôi thuê dịch vụ ở resort bên cạnh, ngã giá hơn 2 triệu/1 giờ. Sau nửa giờ, chúng tôi trả xe, cậu nhân viên resort láng giếng “chém đẹp” tôi số tiền 1 triệu sáu. Tôi có thắc mắc rằng tôi chỉ thuê xe có nửa giờ thôi, sao giá lại cao như vậy. Cậu ta giải thích là giá đã bao gồm thuế. Bực quá, tôi quyết không trả tiền mà đòi quay lại bộ phận lễ tân. Tại đây họ đã thanh toán cho tôi giá thuê chỉ có 1 triệu mấy chục ngàn. Có nghĩa là nếu không “làm ầm lên”, tôi mất không hơn 500 nghìn cho cậu nhân viên nọ.

Rút kinh nghiệm, hôm sau có nhu cầu thuê xe máy đi lại trong địa phương, tôi bảo chồng “nấp” từ xa, mình tôi đi thuê xe là được. Tôi thuê được giá tốt, 60 nghìn/1 ngày. Ngã giá xong tôi mới gọi chồng ra. Chị chủ xe cứ nhìn tôi tủm tỉm... Tôi thuê xe từ 2 giờ chiều ngày thứ Ba, trả xe đúng 2 giờ chiều ngày thứ Sáu. Theo thỏa thuận, mức giá tính theo ngày 24 giờ thì tức là tôi thuê trong có 3 ngày, nhưng chủ xe lại tính thành 4 ngày, vì từ thứ Ba đến thứ Sáu có 4 ngày! Trước mặt ông chồng ngoại quốc lúc này đang thộn ra không hiểu chuyện, tôi lại đành “nhảy lên”. Tôi nói tôi sẽ chỉ thanh toán theo đúng thỏa thuận 3 ngày, nếu không đồng ý thì báo công an đến làm việc. Không biết do sợ tôi đanh đá hay sợ công an, chị chủ xe lại đồng ý thanh toán 3 ngày.

Hóa ra dân mình, bên cạnh cái văn hóa tình nghĩa với nhau lại có thêm cái văn hóa “thịt luộc” khách tây. Nó như một “căn bệnh” mang tên “bệnh luộc Tây”. Tôi là người Việt, nhưng tôi đi với “tây”, nên vẫn bị “luộc” như thường. Nhưng tôi không cam lòng chịu để người ta ấn vào nồi nước sôi. Nếu có nhiều tiền, tôi đi làm từ thiện, góp quỹ xây dựng trường học, bệnh viên, trại trẻ mồ côi, chứ sao cam tâm cho người ta “phân biệt đối xử” mãi như vậy.

Tôi vẫn tin rằng người dân quê mình nặng sâu tình nghĩa và niềm tin của tôi không dễ gì thay đổi. Thế nhưng nếu lần sau, lần sau nữa và nhiều lần sau nữa vẫn phải chứng kiến việc làm tương tự như thế này, liệu niềm tin trong tôi có bị mai một? Đã hơn một lần tôi tự hỏi dân tộc ta có truyền thống hiếu khách, tại sao giờ đây lại có sự phân biệt đối xử như thế này? Căn bệnh “luộc tây” này được bắt đầu từ đâu và bao giờ thì kết thúc?

Huyền Trang