Tâm điểm
Hoàng Lam

Bạo lực gia đình và 1,8% GDP

Thoạt nghe, tưởng chừng không có gì liên quan giữa bạo lực gia đình và GDP. Tuy nhiên, tại cuộc họp định kỳ mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vào ngày 18/4 vừa qua, ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), dẫn số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cho hay các vụ bạo lực gia đình gây tổng thiệt hại khoảng 1,8% GDP - tương đương 100.000 tỷ đồng.

Các thiệt hại này đến từ chi phí trực tiếp của bạo hành, chi phí do bỏ dở công việc hoặc ảnh hưởng đến năng suất lao động của người phụ nữ. Theo nghiên cứu trên, có tới 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong cuộc đời. 23,3% phụ nữ được hỏi cho biết từng bị thương tích khi hứng chịu bạo lực từ chồng/bạn tình. Không ít trường hợp, từ bạo lực gia đình dẫn đến vụ án hình sự chỉ trong gang tấc. Và ngoài bạo lực gia đình với phụ nữ, tình trạng bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra nhức nhối không kém.

Điều đáng lo ngại là, các nạn nhân thường âm thầm chịu đựng tình trạng bạo hành và ít chia sẻ về tổn thương của mình. Đặc biệt, có tới 90% nạn nhân bị bạo hành chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng. Chắc chắn rằng, việc xem bạo lực gia đình là chuyện riêng đã cản trở sự tiếp cận hỗ trợ, can thiệp của cơ quan chức năng trong ngăn ngừa hành vi bạo lực. Ngoài ra, với những vụ bạo lực xảy ra trong nhà hay trong phòng ngủ, lực lượng chức năng và các tổ chức, đoàn thể rất khó phát hiện và can thiệp, xử lý kịp thời.

Qua gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tình hình đã được cải thiện đáng kể khi số vụ việc giảm dần, cụ thể năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2015 là 19.274 vụ, đến năm 2020 là 7.831 vụ. Tuy nhiên, con số thống kê hàng năm vẫn rất lớn và đó là chưa kể những vụ việc "chôn giấu" sau bức tường gia đình như đề cập ở trên.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội chung nhận định rằng, bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải tại Việt Nam. Trong đó, nhiều vụ việc ở mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Lý do là các điều khoản trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã ban hành từ 15 năm trước, đến nay không còn theo kịp diễn biến đời sống xã hội, đặc biệt với bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế trong gia đình.

Hiện nay các cơ quan đang khởi động quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành, đồng thời bảo đảm phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ba nhóm chính sách lớn trong dự án Luật (sửa đổi) gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Thiết nghĩ, cùng với việc tập trung sửa đổi, hoàn thiện các nhóm chính sách lớn nêu trên, ban soạn thảo cần chú ý làm rõ hơn khái niệm về hành vi bạo lực gia đình, từ đó giúp người dân nhận diện đúng, đầy đủ các tình huống trong cuộc sống. Phát biểu trên báo chí, TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay bạo lực gia đình trong thế giới hiện đại có nhiều hình thức tinh vi. Có khi chỉ là những ánh nhìn, là sự thao túng về kinh tế hay áp đặt ý chí một cách vô hình bằng cách tước bỏ thời gian tự do hay tước bỏ cơ hội phát triển của nhau... Trong thực tế, sự giày vò về tinh thần ảnh hưởng tới nạn nhân nặng nề không kém bạo lực thân thể. Dự thảo luật cần quy định chi tiết như thế nào là bạo lực tinh thần hay bạo lực kinh tế, từ đó đề ra quy định bảo vệ nạn nhân mang tính khả thi.

Với nhiều hình thức bạo lực khác nhau, đòi hỏi hành lang pháp lý khi sửa đổi luật phải rất đa dạng. Hy vọng với cách tiếp cận mới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình khi được sửa đổi và thông qua sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản tình hình bạo lực gia đình thời gian tới. Khi đó sẽ không còn con số thống kế 1,8% GDP đau lòng kể trên.