“Ai bảo chị chê con tôi xấu!”

(Dân trí) - Đứa con tinh thần của mình- dù “sứt môi, lồi rốn” vẫn cứ đẹp, vẫn cứ lung linh trong mắt mình. Đừng ai nghĩ, thấy nó “sứt môi, lồi rốn” là nhảy vào chê! Chê gì? Chê sứt môi? Sứt môi, lồi rốn có vẻ đẹp riêng của sứt môi, lồi rốn...

Nói một lời chê dễ hơn nghe một lời chê. Dù là lời chê thật, dù là lời đúng vẫn khiến người nghe dễ… “nổi đóa”. Có câu, “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”- Việc nghe chê với người Việt không hề đơn giản, nhất là với giới nghệ sỹ!
 
“Ai bảo chị chê con tôi xấu!” - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đã có giai thoại về chuyện khen-chê giữa báo chí và nghệ sỹ. Có lần, nhà văn Phan Thị Vàng Anh viết một bài báo mang tính phê bình dành cho một bộ phim. Vào thời điểm ấy, bộ phim được dư luận đặc biệt quan tâm bởi số kinh phí kỷ lục “rót” cho khâu sản xuất. Một bộ phim chiến tranh được nhà nước đặt hàng 13 tỷ đồng- số tiền khiến bất kỳ ai cũng có thể “chóng mặt”, bởi ở thời ấy, thỉnh thoảng lắm người ta mới nghe nói đến… tiền tỷ!

Tuy nhiên, bộ phim với số tiền “chóng mặt” ấy khi ra rạp đã khiến khán giả… “xa xẩm” mặt mày vì chất lượng không được như mong đợi. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã đi xem phim và viết một bài phê bình. Ngay khi bài báo ra mắt, vị đạo diễn của phim đã nổi giận lôi đình. Ông viết ngay một bài phản pháo (cũng trên báo) để bênh vực lại cho tác phẩm nghệ thuật tiền tỷ của mình. Ông chứng minh rất nhiều những điều hay trên phim của ông mà khán giả và nhà phê bình đã không nhìn ra, không đủ tầm hiểu nổi ông… Sau bài phản pháo ấy, nhà văn Phan Thị Vàng Anh có viết lại một bài khác có tựa đề, “Ai bảo mày chê con tao xấu!”. Tôi xin mượn Nhà văn Phan Thị Vàng Anh cái tựa đề cho bài viết này.

Đại ý của bài viết đã giãi bày rằng, tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của tác giả. Nghe người khác chê con mình xấu ai chẳng tức giận. Cho dù đứa con (tinh thần) ấy có đui mù, què sứt cũng là con của họ, cũng được thai nghén, cũng được tư duy, thai nghén mà thành… Đừng dại mà chê con ai xấu! Xấu với mình, nhưng lại đẹp với người ta. Cho dù thế nào đi chăng nữa. Biết là thế, nhưng chuyện khen- chê trước bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào là việc đương nhiên của đời sống sinh hoạt nghệ thuật. Bi kịch chỉ là, nghệ sỹ hăng hái sáng tác, nhưng lại không thể chịu đựng được việc bị nghe chê.

Bất kỳ nghệ sỹ nào nghe chê cũng có “bài ca không quên” rằng, công chúng không hiểu họ, nhà phê bình không hiểu họ. Họ hay như thế mà chẳng nhận ra! “Tầm” của người phê bình quá thấp. Ca sỹ Minh Hằng tức giận vô cùng khi dư luận phản đối dữ dội chiếc quần ren cô đã diện khi đi hát ở Quảng Bình. Chiếc quần ren đẹp như thế, đúng mốt như thế, tại sao dư luận lại có thể nói những lời chê bai dữ dội như thế? Minh Hằng đã tự hỏi “Tôi đâu có cởi trần, cởi truồng?”… Sự tức giận của Minh Hằng chỉ nguôi đi khi cô có tên trong danh sách tranh giải Ca sỹ triển vọng của năm. (Dư luận phản đối là chuyện của dư luận, chẳng ảnh hưởng gì đến cái tên Minh Hằng là được).

Chuyện ca sỹ Minh Quân nổi đóa trên khắp các mặt báo vì việc đạo diễn Lê Hoàng đã “dám” cho anh điểm 6 với tiết mục dự thi tại gameshow Cặp đôi hoàn hảo 2011 cũng có thể là một ví dụ cho việc, “Ai bảo anh chê con tôi xấu”. Minh Quân kể lể rằng, Lê Hoàng không hiểu anh, Lê Hoàng đã quá khắt khe, không nhìn thấy cái tâm của người dự thi đã đặt vào tiết mục…

Lê Hoàng có trả lời, anh chấp nhận bị ghét để cho điểm theo đúng những gì anh nghĩ. Tuy nhiên, cũng chính Lê Hoàng không thể vượt qua được những… lời chê. Cuối năm 2011, bộ phim mới nhất của Lê Hoàng ra rạp- Tối nay 8h. Ngay sau buổi công chiếu, bộ phim của Lê Hoàng đã bị “đánh” tơi bời trên các báo bởi nội dung không thể nhảm nhí hơn. Bộ phim với những tình tiết vô lý, khiên cưỡng đã trở thành một… bước lùi của Lê Hoàng trong điện ảnh.

Những tưởng, là một người luôn có những lời chê sắc sảo dành cho đồng nghiệp, Lê Hoàng sẽ là một người… lỳ đòn. Tuy nhiên, sau loạt bài chê phim của mình, Lê Hoàng cũng lên báo “ném đá” lại cho những người viết rằng, “Phim bị chê không có nghĩa là… dở”, và rằng, những lời chê quá cảm tính, mang đậm ý kiến chủ quan, chẳng hiểu gì về phim giải trí cả…

Thế mới biết, đứa con tinh thần của mình- dù “sứt môi, lồi rốn” vẫn cứ đẹp, vẫn cứ lung linh trong mắt mình. Đừng ai nghĩ, thấy nó “sứt môi, lồi rốn” là nhảy vào chê! Chê gì? Chê sứt môi? Sứt môi có vẻ đẹp riêng của sứt môi. Chê lồi rốn? Này nhá, lồi rốn có cái duyên riêng của lồi rốn!... “Sứt môi, lồi rốn” đẹp như thế còn chê nỗi gì?

Ví như bài viết này chẳng hạn, rất hay đúng không? Ai chê nào? Tôi sẽ nhắc cho mà biết: Ai bảo chị chê con tôi xấu?

Cúc Anh