Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công trình xanh

Khi đời sống người dân ngày một nâng cao thì mong muốn được ở trong những ngôi nhà xanh sẽ là xu hướng tất yếu. Điều đó đồng nghĩa với BĐS xanh sẽ ngày càng phát triển. Do đó, việc tạo dỡ bỏ những rào cản, tạo hành lang pháp lý đủ để BĐS xanh phát triển là một yếu tố cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công trình xanh - 1

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13%, nhưng dự báo sẽ tăng lên 24% vào năm 2021. Sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe của Việt Nam cũng chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, phát triển công trình xanh là giải pháp tối ưu để giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước và không khí nghiêm trọng như hiện nay. Đơn cử như thời gian qua, người dân Hà Nội được phen lao đao khi phải đối mặt với tình trạng chất lượng không khí được cho là vượt các ngưỡng chỉ tiêu. Trong khi tình trạng ô nhiễm không khí chưa chấm dứt thì mới đây, sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải tiếp tục khiến nhiều dân Hà Nội thêm khốn đốn. Chưa bao giờ, vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước lại được cảnh báo nhiều và trở thành mối nguy đe dọa đến cuộc sống người dân đô thị như hiện nay.

Trước thực tế đó, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh cho rằng, công trình xanh hướng tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nước và không khí. Theo đó, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng), dù những lợi ích, hiệu quả về mặt năng lượng, môi trường, kinh tế và sức khỏe của công trình xanh mang lại là rõ ràng và đã được minh chứng cụ thể trong các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, số lượng các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh vẫn còn ít.

Việc phát triển công trình xanh chưa trở thành phong trào rộng khắp, chủ yếu ở đối tượng công trình, dự án của khối tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, chưa có các công trình có vốn ngân sách được thiết kế, thi công xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh.

Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công trình xanh chưa đầy đủ. Chưa có các quy định bắt buộc để yêu cầu các công trình có vốn đầu tư công phải đầu tư xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu về thiết kế và xây dựng công trình xanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi cho các dự án công trình xanh còn chưa nhiều.

Để thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam, theo ông Thịnh cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan. “Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và chúng tôi cũng đã đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng luật hóa công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng đề xuất thiết lập và huy động sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư trong việc hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các dự án đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xanh.

Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng đang hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sống thì các rào cản này cần được dỡ bỏ để có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh. Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo và Vụ KHCN&MT đã đưa vào dự thảo luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Vụ KHCN&MT cũng đang cố gắng xây dựng hành lang pháp lý đối với công trình xanh để các chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời đề xuất thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm thức đẩy các nhà đầu tư BĐS tích cực tham gia phát triển công trình xanh, bảo vệ môi trường.

Hiện nay tại Việt Nam đang có 4 hệ thống đánh giá công trình xanh gồm: Leed của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ; Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore; Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam; Edge của Tổ chức Tài chính ngân hàng thế giới (IFC). Các hệ thống tiêu chí đánh giá này đều được công nhận bởi Hội đồng công trình xanh thế giới với 5 tiêu chí cơ bản là vật liệu, địa điểm, nội thất, sử dụng nước và năng lượng.

Theo: Vân Anh

Báo Xây dựng 

Bình luận (0)
để gửi bình luận