TS Vũ Đình Ánh: "Nếu tiếp tục siết tín dụng thì sẽ bóp chết bất động sản"

Trần Kháng

(Dân trí) - Theo chuyên gia, vấn đề chính là phải lành mạnh hóa mối quan hệ bất động sản - tài chính, kinh tế. Bởi nếu tiếp tục siết tín dụng, sẽ bóp chết bất động sản.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản - Chính sách và tác động" vừa diễn ra, TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính), nhấn mạnh, Việt Nam vẫn đang mông lung, hiểu sai vai trò của bất động sản. Do đó, chúng ta cần thay đổi lại suy nghĩ về vai trò của bất động sản, phải đánh giá và nhìn nhận đúng, bất động sản là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là kết quả và đầu vào của tăng trưởng. 

"Vì thế, tư duy phải được thay đổi. Tôi khẳng định, bất động sản và tài chính là 2 mặt của 1 đồng xu, phải gắn liền", ông Ánh nêu.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc, thế giới đang bước vào giai đoạn - dự báo là suy thoái. Suy thoái kinh tế và thế giới đang bước một chân vào đó, gắn với đó là lạm phát.

Do đó, Việt Nam đang trong bối cảnh cần cẩn thận, dù chúng ta vượt qua đại dịch, nhưng tăng trưởng kinh tế thấp. Nếu không xem xét cẩn trọng thị trường bất động sản - tài chính kinh tế, sẽ dễ bị suy thoái và lạm phát.

"Không phải siết, kiểm soát, điều chỉnh nguồn vốn hay bất kỳ từ ngữ nào cả, vấn đề chúng ta đang đối mặt là thị trường bất động sản phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng tín dụng. Vấn đề chính là phải lành mạnh hóa mối quan hệ bất động sản - tài chính, kinh tế. Bởi nếu tiếp tục siết tín dụng, sẽ bóp chết bất động sản", ông Ánh nhấn mạnh thêm.

TS Vũ Đình Ánh: Nếu tiếp tục siết tín dụng thì sẽ bóp chết bất động sản - 1

Thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tiếp tục siết tín dụng (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, trái phiếu doanh nghiệp không sai. Nhưng hiện nay, chúng ta đang nói về trái phiếu doanh nghiệp 3 không (không bảo đảm, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán).

"Chúng ta đang có thị trường trái phiếu không giống với các nền kinh tế khác. Nền tảng lớn nhất của trái phiếu phải là xếp hạng tín nhiệm. Về mặt nguyên tắc, trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo xếp hạng tín nhiệm. Rõ ràng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không phải thị trường thật sự. Việt Nam phải xây dựng hệ thống giống thông lệ quốc tế, phải lành mạnh, minh bạch", chuyên gia nói.

Do đó, theo ông Ánh, nên thay từ "kiểm soát" nguồn vốn bằng "lành mạnh hóa". Tuy nhiên, những chính sách phải là cơ quan quản lý Nhà nước quyết định.

"Tôi vô cùng mong muốn, giới hoạch định chính sách bất động sản, đất đai, quy hoạch... phải có những chính sách đúng đắn để thị trường phát triển, không rơi vào bẫy mà thế giới đang giăng ra. Chính sách không chỉ giải quyết trước mắt, phải giải quyết những vấn đề căn bản, cốt lõi của nền kinh tế, thị trường…", ông Ánh nói thêm. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nên kiểm soát một cách hợp lý thị trường. Dòng vốn tín dụng vẫn phải chạy vào bất động sản đầu tư, đặc biệt, nên ưu tiên trong các dự án bất động sản đang triển khai để nhanh cung cấp ra thị trường. Chú ý hơn đến nguồn cung nhà ở giá vừa phải. Đồng thời, đẩy mạnh nguồn cung trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cho vay nhiều hơn. 

Ngoài ra, có một số kiến nghị nữa như: Kiểm soát dòng tiền chạy theo tiến độ là điều quan trọng; Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, có sức lan tỏa lớn đến thị trường; Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lúc này Việt Nam đang có cơ hội, nhưng cũng có những thách thức. Chúng ta cũng cần phải chú trọng, kiểm soát và có định hướng đúng đắn, lâu dài.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm