"Sốt đất" khắp thế giới: Nhiều nước siết tín dụng, ghìm cương "bong bóng" bất động sản

Tình trạng "sốt đất" đã và đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nước đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn tình trạng đầu cơ, "sốt nóng" bất động sản.

Sau hàng loạt các biện pháp cứu trợ và chính sách tiền tệ nới lỏng của nhiều ngân hàng trung ương trong đại dịch, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, tác dụng phụ là tình trạng "sốt đất" đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản New Zealand đã khiến nhiều người lo ngại về một "bong bóng" mới như thời kỳ khủng hoảng 2008. Giá nhà tại đây đã tăng hơn 20% trong năm qua, đạt mức bình quân 780.000 Đô la NewZealand, tương đương gần 13 tỷ đồng, cho mỗi hợp đồng.

Đáng chú ý, tại nhiều nước, giá nhà ở các vùng ngoại ô thưa dân lại là phân khúc tăng mạnh nhất. Theo The Economist, giá nhà tại các vùng ngoại ô của 7 thành phố lớn nhất ở Đức tăng 11% trong năm 2020, so với mức tăng 6% ở những khu nội đô. Tại Australia, giá nhà tại những vùng ven biển phía Bắc Sydney cũng tăng 10%.

Sốt đất khắp thế giới: Nhiều nước siết tín dụng, ghìm cương bong bóng bất động sản - 1

Giá nhà tại New Zealand đã tăng hơn 20% trong năm qua (Ảnh: New Zealand).

Cơn sốt đất tại Trung Quốc tăng kỷ lục trong 6 tháng

Là nền kinh tế lớn đầu tiên khắc phục được hậu quả của Covid-19, Trung Quốc cũng đang phải trải qua cơn sốt đất tăng kỷ lục, lên mức cao nhất trong 6 tháng qua. Doanh số bán nhà mới trong tháng 2/2021 tại 29 thành phố quan trọng đã tăng hơn gấp 3 lần so với 1 năm trước đó.

Sự đổ xô vào bất động sản đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro bong bóng bất động sản. Động thái mới nhất đến từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) với chính sách siết chặt tín dụng bất động sản.

Trung Quốc siết bất động sản

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ đạo các ngân hàng siết mạnh tín dụng bất động sản để ngăn tình trạng "sốt nóng".

Các chuyên gia nhận định, chính quyền Trung Quốc chuyển từ thúc đẩy tăng trưởng sang kiểm soát rủi ro nền kinh tế. Một loạt các giải pháp như tăng lãi suất mua căn nhà thứ hai, thứ ba, kéo dài thời gian thẩm định mua nhà lên 2 - 3 tháng.

Nếu lãi suất mua căn nhà thứ nhất từ 5,3 - 5,5%/năm thì căn nhà thứ hai, ngoài quy định người mua phải có tiền mặt 50 - 70%, lãi suất cũng phải từ 5,5 - 5,7%/năm. Trong thời gian tới, tín dụng cho bất động sản sẽ tăng chậm lại khi hầu hết các ngân hàng đều vượt mức cho vay.

Sốt đất khắp thế giới: Nhiều nước siết tín dụng, ghìm cương bong bóng bất động sản - 2

Quần thể các căn hộ tại Pudong, Thượng Hải (Ảnh: THX).

Để tránh xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản, TP Thâm Quyến đã lập đường dây nóng, tài khoản trên mạng xã hội Weibo để người dân tố cáo các công ty cho vay đầu cơ bất động sản, hay người dân lách luật để vay vốn giá thấp mua bất động sản thứ hai, thứ ba.

Trong khi đó, TP Bắc Kinh cấm các công ty, trang web bất động sản hay báo đài quảng cáo bất động sản sinh lời cao hay phong thủy tốt. Để ngăn tình trạng ly hôn giả, nhiều nơi quy định, sau ly hôn 3 năm mới được mua căn nhà thứ hai.

Còn đối với những vùng có dự án quy hoạch lớn, các ngành chức năng thường ra văn bản cấm mua bán để tránh đầu cơ. Chủ trương "Nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ" của Trung Quốc đã góp phần ghìm cương bất động sản sốt giá.

Không chỉ Trung Quốc mà chính phủ New Zealand đã bắt đầu thực hiện một số biện pháp để ngăn tình trạng đầu cơ. Ngân hàng Trung ương Canada cũng tuyên bố sẽ tăng cường giám sát hơn nữa thị trường nhà đất.