Bất động sản Đông Anh sau khởi công siêu dự án tỷ đô: Lại nỗi lo sốt ảo, thổi giá

(Dân trí) - Khốn khổ ở nhiều chung cư: Chưa xong vụ nước đen kịt, lại bị mùi lạ tấn công; Dự án BT 1.500 tỷ đồng của Bitexco có nguy cơ vỡ tiến độ sau nhiều lần gia hạn; khởi động siêu dự án thành phố thông minh tỷ USD ở Đông Anh và những tác động của dự án tới thị trường bất động sản khu vực... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Đất quanh siêu dự án thành phố thông minh: Cò có dịp thổi giá, cẩn trọng sập bẫy

Tuần qua, thị trường bất động sản khu vực Đông Anh lại nóng trở lại sau khi dự án thành phố thông minh bắc Hà Nội được công bố.

Trên thực tế, thị trường bất động sản tại Đông Anh liên tục trải qua những đợt “nóng sốt” nhưng đây là hiện tượng mang tính chất cục bộ nên kéo dài không lâu. Trước tác động lan tỏa của các dự án lớn, nhiều thời điểm môi giới đã đẩy giá lên cao hơn rất nhiều so với thực tế.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam đánh giá thông tin về việc khởi động siêu dự án thành phố thông minh tỷ USD chắc chắn sẽ có tác động tới thị trường bất động sản khu vực này, nhiều dự án, đất đai xung quanh sẽ được hưởng lợi.

Trước lo ngại về việc cò đất làm giá, thổi giá, gây sốt ảo, ông Đính cho rằng: Điều này có thể xảy ra nhưng sẽ không rầm rộ. Đâu đó sẽ có trường hợp cò nhảy vào đẩy giá, thổi giá nhưng sau một loạt vụ lừa bị mua phải dự án “ma”, đặc biệt mới đây là vụ siêu lừa Alibaba, người mua đã dè chừng, cẩn trọng hơn rất nhiều.

Bất động sản Đông Anh sau khởi công siêu dự án tỷ đô: Lại nỗi lo sốt ảo, thổi giá - 1
Phối cảnh khu trung tâm dự án thành phố thông minh bắc Hà Nội .

Khốn khổ ở nhiều chung cư: Chưa xong vụ nước đen kịt, lại bị mùi lạ tấn công

Phản ánh tới Dân trí, một số cư dân ở cụm chung cư The Sparks Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho biết họ phát hiện nước máy có mùi lạ giống chất tẩy rửa. Hiện tượng này xuất hiện từ ngày 10/10.

Thời gian qua, vấn đề nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn trở thành câu chuyện “đau đầu” của rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội. Tại một số cụm chung cư đang hoang mang với “nạn” mùi lạ thì trước đó, họ cũng phải “chiến đấu” một thời gian dài với tình trạng nước máy nhưng xả ra đen kịt như nước cống.

Bất động sản Đông Anh sau khởi công siêu dự án tỷ đô: Lại nỗi lo sốt ảo, thổi giá - 2
Nguồn nước xả ra đen kịt như nước cống.

 Dự án BT 1.500 tỷ đồng của Bitexco: Nguy cơ vỡ tiến độ sau nhiều lần gia hạn

UBND huyện Thanh Trì vừa báo cáo liên quan đến công tác GPMB tuyến đường nối khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với đường Phan Trọng Tuệ thuộc dự án của Bitexco.

Toàn bộ dự án được khởi công vào tháng 5/2014, mức đầu tư 1.475 tỷ đồng.

Theo huyện Thanh Trì, hiện tại, khu tái định cư vẫn vẫn đang triển khai GPMB chưa đầu tư xây dựng nên chưa có cơ sở hạ tầng để bố trí đất tái định cư cho các hộ. Do đó chưa có đủ điều kiện tổ chức kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm đối với các hộ không phối hợp điều tra kê khai theo quy định. Do vậy đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác GPMB dự án.

Bất động sản Đông Anh sau khởi công siêu dự án tỷ đô: Lại nỗi lo sốt ảo, thổi giá - 3
Dự án BT nghìn tỷ để cỏ mọc của Bitexco nhiều lần lụt tiến độ.

“Đại gia” Cienco 4 ôm khoản nợ khủng, gấp hơn 5 lần vốn sở hữu

Không chỉ hụt hơi so với kế hoạch đặt ra, báo cáo tài chính hợp nhất niên độ năm 2019 của Cienco 4 còn một điểm đáng lưu ý, đó là khoản nợ phải trả rất lớn.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 6.099,8 tỷ đồng, mặc dù có xu hướng giảm so với thời điểm đầu năm song vẫn gấp tới 5,2 lần so với vốn chủ sở hữu.

Tức là 1 đồng vốn, có khoảng tới hơn 5 đồng nợ. Nợ phải trả của doanh nghiệp này chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính (chiếm tới gần 4.000 tỷ đồng).

Những dự án khốn khổ vì nghĩa trang: Choáng vì dân đòi... nửa tỷ mới dời mộ

Để di dời các nghĩa trang dành đất cho dự án, không hề đơn giản, nhiều chủ đầu tư phải chùn tay. Nhiều án có liên quan tới nghĩa trang mãi không thực hiện nổi vì nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân.

Bi hài, chủ một doanh nghiệp địa ốc có dự án nhà ở ở huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: “Có hộ dân đòi tới 400-500 triệu đồng mới chịu di dời. Có ngôi mộ thì không xác định được danh tính người nhà. Người này chỉ đến thăm mộ vào đúng một ngày trong năm, 3 năm liền “phục kích” nà đơn vị GPMB vẫn không gặp được, dò hỏi thì chỉ biết người này sống ở Hà Nội, thi thoảng mới về thăm mộ chứ không phải dân ở khu vực dự án, ngay người dân xung quanh cũng không biết đó là ai, rất bí ẩn”.

Bất động sản Đông Anh sau khởi công siêu dự án tỷ đô: Lại nỗi lo sốt ảo, thổi giá - 4
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong các thủ tục thì giải phóng mặt bằng là khâu họ sợ nhất, đặc biệt khi mặt bằng đó lại “dính” đất nghĩa trang.

Đại gia kín tiếng thâu tóm cao ốc “đất vàng” phố Trần Duy Hưng Summit Building

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4466/QĐ-UBND về việc cho phép Liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 chuyển nhượng toàn bộ Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho Công ty cổ phần Veracity.

Cao ốc Summit Building được xây dựng trên lô đất có diện tích 2.373m2 tại số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội do liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch, dự án Summit Building cao 35 và 1 tum, 4 tầng hầm và 1 tầng lửng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 52.217m2.

Bất động sản Đông Anh sau khởi công siêu dự án tỷ đô: Lại nỗi lo sốt ảo, thổi giá - 5
Dự án Summit Building chưa tiến hành huy động vốn từ người mua cũng như chưa mở bán mặc dù dự án đã xây xong phần thô...

Hà Nội lên tiếng vụ dự án The Eden Rose “nhồi” thêm tầng, xây trường không phép

Dự án Nhà ở thấp tầng, khu cây xanh công cộng kết họp hồ nước và các chức năng khác có tên thương mại là The Eden Rose.

Mới đây, cả trăm khách hàng mua nhà tại The Eden Rose cho biết họ đang phải ngậm đắng nuốt cay vì bị chủ đầu tư lừa bán nhà 4 tầng, nhưng thực tế chỉ được xây 3 tầng, phần tầng 4 chỉ được đổ cột, mái nhưng không hoàn thiện thêm. Ngoài ra dự án này cũng bị "tố" xây dựng trường học không phép.

Liên quan đến vụ việc này, UBND huyện Thanh Trì vừa chính thức có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra.

Bất động sản nghỉ dưỡng sôi động nhờ người Việt có nhiều ô tô?!

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc nhà đầu tư “đánh bắt xa bờ”, mạnh tay “rót vốn” cho bất động sản ven biển tại Việt Nam trong một thập niên qua trước hết thể hiện ở yếu tố hạ tầng.

Các hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay đua nhau lộ diện. 

Mặt khác, việc sở hữu ô tô ngày nay khá dễ dàng đối với người Việt giúp thay đổi thói quen du lịch và tiếp cận các kỳ nghỉ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đây là những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự bùng nổ làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh “lệnh” thu hồi các dự án chây ì, có dấu hiệu giữ đất

Nguồn tin từ Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho hay, tỉnh này hiện có hơn 400 dự án có diện tích sử dụng đất lớn bị chậm tiến độ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực du lịch, hạ tầng phát triển đô thị, kho bãi…

Các địa bàn trọng điểm có số dự án chậm tiến độ hoặc ngừng triển khai lớn phải kể đến Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn), KKT Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh), TP Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân và huyện Can Lộc.

Một vài dự án lớn chậm tiến độ có thể “chỉ mặt, điểm tên” như: Dự án tổ hợp khu sân golf, dịch vụ nhà ở và trường đua chó tại xã Xuân Thành; khu đô thị Xuân Thành Land tại phường Nguyễn Du; đô thị Bắc TP Hà Tĩnh; Khu đô thị Nam cầu Phủ…

Gần 30 hộ dân đề nghị Công ty Rạng Đông bồi thường và di dời

Sau khi cơ quan chức năng thông tin đã hoàn tất việc tiêu tẩy độc tại khu vực hiện trường đám cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng trong, sau vụ cháy vẫn phải đi “sơ tán”, đến nay họ vẫn chưa nhận được đền bù thiệt hại.

Cực chẳng đã, nhiều hộ dân đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP.Hà Nội về di dời nhà máy và đền bù thiệt hại sau vụ cháy.

Đại gia Đất Xanh lại vướng lùm xùm nhận “chuyển nhượng đất giá rẻ như cho”

Sau khi có thông tin "Bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Công ty Petroland Bùi Minh Chính", cùng thời điểm rộ lên các thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng vốn Công ty CP Đầu tư Dầu khí Thăng Long của Petroland cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh.

Trước đó, thương vụ HMC chuyển nhượng 9.125 m2 đất trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7 cho Tập đoàn Đất Xanh đang gây ra nhiều xôn xao trong dư luận. Lô đất công này được UBND TP.HCM giao cho HMC làm kho chứa hàng, nhưng sau đó doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục để xây dựng dự án chung cư và bán rẻ cho Tập đoàn Đất Xanh.

Dự án tâm linh nghìn tỷ của Pacific - Hòa Bình: Một phần diện tích xây biệt thự, nghỉ dưỡng

Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.038 tỷ đồng.

Diện tích quyết định chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt là 160,5ha. Tuy nhiên sau đó Bộ Quốc phòng chỉ thống nhất diện tích thực hiện Dự án khu du lịch sinh thái tâm linh – Hoà Bình khoảng 121,59 ha.

Sau điều chỉnh, hạng mục xây dựng, cơ cấu sử dụng đất có thay đổi. Theo đó, đất xây dựng khách sạn, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ là 72.807m2; đất nhà dịch vụ nghỉ dưỡng 6.933m2; đất biệt thự bên núi 36.876m2; đất biệt thự ven hồ 25.250m2; đất biệt thự bên mặt nước 22.748m2; đất biệt thự nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ 6.709m2…

Cận cảnh “thành phố ma” trên đất vàng Tây Đô

Khởi công từ nhiều năm trước, nhưng đến nay, không ít khu đô thị, khu dân cư tại TP.Cần Thơ vẫn rơi vào tình trạng trì trệ. Nhiều khu đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm với những ngôi nhà được xây dang dở, nhìn như thành phố “ma”.

Trong đó, dự án khu dân cư Phú An (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) của Cty CP xây dựng công trình giao thông 586 – Chi nhánh Cần Thơ là một điển hình của sự lãng phí, chậm tiến độ...

Trong số những dự án khu dân cư, tái định cư và khu đô thị mới do Sở Xây Dựng TP.Cần Thơ quản lý, có đến 6 dự án chậm triển, 6 dự án giãn tiến, và có 2 hai dự án đã thu hồi một phần diện tích.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Bất động sản Đông Anh sau khởi công siêu dự án tỷ đô: Lại nỗi lo sốt ảo, thổi giá - 6