Những dự án khốn khổ vì nghĩa trang: Choáng vì dân đòi... nửa tỷ mới dời mộ

(Dân trí) - Dự án “dính” đất nghĩa trang khốn khổ trăm bề. Có những dự án ì ạch mãi mới giải toả xong được mặt bằng để triển khai. Bên cạnh đó có những dự án cạnh nghĩa trang thì kén khách, vắng người mua…

Những dự án khốn khổ vì nghĩa trang: Choáng vì dân đòi... nửa tỷ mới dời mộ - 1
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong các thủ tục thì giải phóng mặt bằng là khâu họ sợ nhất, đặc biệt khi mặt bằng đó lại “dính” đất nghĩa trang.

Đòi mấy trăm triệu mới di dời mộ phần

Công tác giải phóng mặt bằng là nguồn cơn gây ì ạch, chậm tiến độ ở nhiều dự án do doanh nghiệp khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất.

Gặp khó trong khâu này khiến dự án dở dang "da báo", bị chôn vốn kéo dài, lãng phí. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong các thủ tục thì giải phóng mặt bằng là khâu họ sợ nhất, đặc biệt khi mặt bằng đó lại “dính” đất nghĩa trang.

Để di dời các nghĩa trang dành đất cho dự án, không hề đơn giản, nhiều chủ đầu tư phải chùn tay. Nhiều án có liên quan tới nghĩa trang mãi không thực hiện nổi vì nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân.

Có doanh nghiệp địa ốc cho biết, sau khi chuyển hàng trăm tỷ đồng cho trung tâm phát triển quỹ đất để đền bù nhưng qua cả thập kỷ vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng để giao đất thực hiện dự án.

Bi hài hơn, chủ một doanh nghiệp địa ốc có dự án nhà ở ở huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: Dự án đã hoàn thành 98% tổng số hộ theo phương án đã được phê duyệt, hầu hết đồng thuận, còn lại chỉ vướng một số hộ trong việc di dời mộ phần.

“Có hộ dân đòi tới 400-500 triệu đồng mới chịu di dời. Có ngôi mộ thì không xác định được danh tính người nhà. Người này chỉ đến thăm mộ vào đúng một ngày trong năm, 3 năm liền “phục kích” nà đơn vị GPMB vẫn không gặp được, dò hỏi thì chỉ biết người này sống ở Hà Nội, thi thoảng mới về thăm mộ chứ không phải dân ở khu vực dự án, ngay người dân xung quanh cũng không biết đó là ai, rất bí ẩn”, chủ doanh nghiệp địa ốc kể.

Vị này còn nói thêm, “sợ” nhất di dời những ngôi mộ tổ của cả dòng họ, bởi cả họ sẽ phải họp thống nhất với nhau rất nhiều lần mới có thể đi đến phương án “chốt”, mà mỗi lần tổ chức họp được đông đủ cũng không hề đơn giản. Nhiều hộ gia đình rất bất hợp tác trong việc di dời vì liên quan tới vấn đề tâm linh.

Đại diện một chủ đầu tư chia sẻ họ mong muốn di dời các nghĩa trang ra khỏi khu đô thị theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, để làm được việc này thì cần có sự đồng tình của những gia đình có mộ phần. Mặc dù thành phố đã có quy hoạch di dời nghĩa trang nhưng tới nay vẫn còn chậm thậm chí không tiến hành được.

Biệt thự cạnh… nghĩa trang

Theo báo cáo mới đây của UBND huyện Thanh Trì, tại dự án The Eden Rose đến nay công trình hạ tầng kỹ thuật đã thi công đạt khoảng 90% khối lượng dự án. Khối lượng còn lại do vướng mặt bằng đi qua khu nghĩa trang chưa được giải phóng.

Quảng cáo về The Eden Rose, chủ đầu tư ví dự án như "loài hoa hồng mang vẻ đẹp cổ điển, kiêu sa và gần gũi". Giá của những liền kề, biệt thự tại đây dao động khoảng từ 65 - 70 triệu/m2, có căn lên tới gần 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn đặt ra với chủ đầu tư đó là dự án còn tiếp giáp với nghĩa trang thôn Vực, xã Thanh Liệt. Con đường duy nhất để vào trong dự án phải đi qua đường Yên Xá vào nghĩa trang Mả Nhịa. Hiện chủ đầu tư đã xây dựng tường rào cao khoảng 5m ngăn cách khu nghĩa trang với dự án.

Trong khi đó theo phản ánh, việc di dời những ngôi mộ tại nghĩa trang thôn Vực để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp làm đường giao thông, kết nối khu dân cư với dự án The Eden Rose vướng phải sự phản đối kịch liệt của một số hộ dân. Có hộ dân sau khi buộc di dời đã khiếu nại.

Kể về cái khó của việc giải phóng mặt bằng khi dự án “dính” nghĩa trang, một cán bộ cho biết: Khi chúng tôi thực hiện việc di dời, dù nhiều lần thông báo trên loa, ra văn bản thông báo nhưng nhiều hộ dân vẫn như không hay biết.

Vị này cũng cho hay, cán bộ hông nắm được hết mọi thông tin của các thân nhân hài cốt có trong ngôi mộ nên không thể liên lạc và đến từng các gia đình. Ngoài ra cón có rất nhiều hài cốt thân nhân vô danh ở nghĩa trang, khi đến thắp hương không liên hệ với chính quyền nên không biết được ai để liên hệ khi muốn di dời.

Cũng khốn khổ không kém, đó là các dự án cạnh nghĩa trang, thậm chí phía mặt trước "ôm trọn" nghĩa trang. Nhiều quan niệm vẫn cho rằng, một dự án nhà ở nằm gần nghĩa trang luôn được cho là không tốt về mặt phong thủy, nên giới đầu tư lẫn người mua nhà để ở đều tìm cách tránh xa dự án lân cận các nghĩa trang.

Theo khảo sát của phóng viên, hàng loạt dự án nhà chung cư tại Hà Nội gần nghĩa trang có thể kể đến như: Dự án Gelexia Riverside; dự án Việt Đức Complex (Thanh Xuân), dự án Skyline Văn Quán, dự án Park View Residence Dương Nội (Hà Đông), toà CT4 thuộc tổ hợp dự án Boyoung Vina…

Hầu hết các dự án gần nghĩa trang, hoặc có hướng nhìn hướng nghĩa trang, muốn bán được căn hộ, chủ đầu tư đều phải chấp nhận “mức giá mềm mại” với khách hàng, thậm chí rẻ hơn nhiều dự án lân cận để thu hút người mua nhà.

Vậy nhưng quá trình bán hàng vẫn gặp đầy khó khăn và nhận được không ít cái lắc đầu ngán ngẩm, chê bai của khách hàng…

Nguyễn Mạnh