Dự án tâm linh nghìn tỷ của Pacific - Hòa Bình: Một phần diện tích xây biệt thự, nghỉ dưỡng

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, UBND tỉnh Hòa Bình mới đây đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chuyển mục đích sử dụng 47,67 ha đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu du lịnh sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Dự án tâm linh nghìn tỷ của Pacific - Hòa Bình: Một phần diện tích xây biệt thự, nghỉ dưỡng - 1
Hòa Bình xin Thủ tướng chuyển đất lúa làm khu du lịch tâm linh 3.038 tỷ đồng.

Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.038 tỷ đồng.

Diện tích quyết định chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt là 160,5ha. Tuy nhiên sau đó Bộ Quốc phòng chỉ thống nhất diện tích thực hiện Dự án khu du lịch sinh thái tâm linh – Hoà Bình khoảng 121,59 ha.

Do vậy, dự án phải điều chỉnh diện tích, hạng mục xây dựng cũng như tổng mức đầu tư.

Cụ thể theo hồ sơ pháp lý, dự án trước điều chỉnh có công suất thiết kế với quy mô khách du lịch: 10.000 lượt khách/ngày, tương đương 3.000.000 lượt khách/năm.

Trước điều chỉnh, dự án bao gồm các hạng mục xây dựng: Khu dịch vụ đón tiếp; Khu dịch vụ cáp treo; Khu công viên nguồn cội (công viên Danh tướng; Công viên Việt Nam quê hương tôi; Công viên nguồn cội); Công viên chủ đề vui chơi giải trí.

Tại cơ cấu hạng mục xây dựng trước điều chỉnh, dự án quy hoạch có Khu nhà ở Hoa Sen trong đó có nhà ở thấp tầng đơn lập, nhà ở thấp tầng ven đồi, nhà ở liền kề với tổng số diện tích 18.618m2; Khu nhà ở làng quê Việt bao gồm nhà ở thấp tầng ven đồi, nhà ở thấp tầng đơn lập, nhà ở liền kề, nhà dịch vụ phụ trợ với 125.729 m2.

Ngoài ra còn có khu dịch vụ mặt nước sinh thái như bếp thuyền du lịch, nhà hàng nổi sinh thái.

Sau khi điều chỉnh, dự án vẫn giữ nguyên công suất thiết kế là 10.000 lượt khách/ngày, tương đương 3.000.000 lượt khách/năm.

Tuy nhiên, hạng mục xây dựng, cơ cấu sử dụng đất có thay đổi. Theo đó, đất xây dựng khách sạn, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ là 72.807m2; đất nhà dịch vụ nghỉ dưỡng 6.933m2; đất biệt thự bên núi 36.876m2; đất biệt thự ven hồ 25.250m2; đất biệt thự bên mặt nước 22.748m2; đất biệt thự nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ 6.709m2.

Ngoài ra có đất bảo tàng nguồn cội 4.677m2; đất quảng trường 2.292m2; Đất công viên Làng du lịch Việt Nam với 106.061m2…

Do điều chỉnh về diện tích đất nên tổng đầu tư dự án cũng sửa đổi theo. Cụ thể, tổng đầu tư ban đầu là 3.122 tỷ đồng, sau đó đổi thành 3.038 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 15% tổng mức đầu tư, tương ứng hơn 455 tỷ đồng, còn lại vốn vay và huy động các nguồn vốn khác.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoà Bình cho biết, tiến độ hoàn thành đầu tư các hạng mục như sau:

Đến hết tháng 3/2020, dự án hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng các hạng mục giao thông và hạ tầng kỹ thuật phân khu I, thời gian thực hiện: Từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022;

Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phân khu I, thời gian thực hiện từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2022;

Giai đoạn 3: Đầu tư xây dựng các hạng mục giao thông và hạ tầng kỹ thuật phân khu II, thời gian thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2025;

Giai đoạn 4: Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phân khu II, thời gian thực hiện từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2025;

Tháng 3/2025: Hoàn thành đầu tư các hạng mục, đưa dự án đi vào hoạt động kinh doanh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoà Bình nhấn mạnh, trong trường hợp không hoàn thành tiến độ (trừ lí do bất khả kháng), Sở sẽ chấm dứt chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

Góp ý về dự án, Sở Văn hoá và Thể thao và Du lịch Hoà Bình nhất trí với các đề xuất nội dung điều chỉnh về tên, quy mô đầu tư, diện tích sử dụng đất, vốn đầu tư… của dự án. Theo Sở này, hiện nay trong khu vực đất đề xuất của dự án có nhiều di tích đã được xếp hạng.

Do vậy, khi dự án được cấp phép thực hiện Sở yêu cầu của chủ đầu tư không được làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích tại khu vực.

Trong quá trình thi công nếu phát hiện thấy các di vật, cổ vật yêu cầu chủ dự án giữ nguyên hiện trường và báo cho cơ quan chức năng biết để xử lý theo đúng quy định pháp luật

Liên quan đến dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành trung ương.

“Ngày 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét”, ông Dũng cho biết.

Ngoài ra, Người phát ngôn của Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Báo chí đưa thông tin như vậy rất tốt vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác là việc được quy định rất nghiêm ngặt”.

Theo tìm hiểu, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình là bà Phan Thanh Hà (sinh năm 1986, thường trú tại phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Công ty đăng ký trụ sở chính tại thôn Lão Nội, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.

Công ty thành lập vào tháng 10/2016, hơn 1 tháng sau đó, vào ngày 18/11/2016, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình.

Theo yêu cầu của Ban thường vụ tỉnh ủy Hoà Bình, dự án sau được đổi tên thành dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy để phản ánh rõ hơn vị trí, phạm vi ranh giới của dự án (tránh gây nhầm lẫn là đồ án quy hoạch của cả tỉnh).

Dự án có nhiều phân khu chức năng, trong đó điểm nhấn của đồ án là bảo tàng cội nguồn. Khu này kết hợp với các công trình dịch vụ, thương mại, tạo thành lõi sân cảnh quan. Ngoài ra dự án bao gồm các khu biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự ven hồ, khu biệt thự suối nước nóng…

Được biết, Công ty TNHH Một thành viên viên Pacific - Hòa Bình là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (Tập đoàn Thái Bình Dương). Tập đoàn được thành lập từ năm 2001 do ông Phan Văn Quý làm chủ tịch HĐQT.

Nguyễn Mạnh