Sữa giả tung hoành thị trường: Chỉ xử lý thôi là chưa đủ!
(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc, cơ quan chức năng cần đưa sữa vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện để siết chặt quản lý mặt hàng này.
Những ngày qua, "sữa giả" trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt trong xã hội sau khi Bộ Công an thông tin về vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Trong đó, cơ quan chức năng xác định đường dây do các bị can điều hành đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai, thu lợi số tiền gần 500 tỷ đồng.
Sự việc bị bóc trần khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc. Vấn nạn thực phẩm giả đang ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội, và tới lúc các cơ quan chức năng cần có những động thái quyết liệt hơn nhằm "bịt" những lỗ hổng pháp lý, ngăn sữa giả tràn lan ngoài thị trường cũng như có những chế tài xử lý đủ mạnh nhằm tạo tính răn đe, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Kho sữa giả của các đối tượng (Ảnh: VTV).
Lỗ hổng pháp lý để lọt sữa giả ra thị trường
Bình luận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận hiện tượng làm giả sữa, thổi phồng công dụng ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, đặt ra thách thức lớn cho cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, việc đưa sữa vào nhóm "ngành nghề kinh doanh có điều kiện", đặc biệt với các loại sữa cho nhóm đối tượng dễ tổn thương trong xã hội như người bệnh, người già, trẻ em... là động thái hết sức cần thiết vào lúc này.
"Theo Luật Đầu tư 2020, sữa không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dẫn đến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể kinh doanh sữa mà chỉ cần đăng ký hộ kinh doanh, không cần chứng minh điều kiện bảo quản, kho lạnh hay tiêu chuẩn vận chuyển. Pháp luật hiện cũng chưa có quy trình kiểm soát hệ thống phân phối, khiến hàng giả, hàng trôi nổi dễ dàng len lỏi vào thị trường, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Trong khi đó, sữa là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trẻ sơ sinh, người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Do đó, việc để thị trường sữa "tự do hóa" như hiện nay là một rủi ro lớn cả về mặt y tế và pháp lý", ông Tuấn bình luận.
Từ đó, luật sư gợi ý các biện pháp có thể thiết lập nhằm kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, hạn chế hàng trôi nổi, thiếu kiểm định như sử dụng QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bắt buộc cơ sở kinh doanh phải đăng ký ngành nghề liên quan đến dinh dưỡng hay buộc đơn vị sản xuất phải có hợp đồng rõ ràng với nhà phân phối chính hãng và bắt buộc kiểm tra định kỳ với sản phẩm nhạy cảm như sữa trẻ em, sữa bệnh lý...
Về mặt quảng cáo, cần quản lý chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng thổi phồng công dụng sản phẩm; đồng thời cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia để quảng cáo sản phẩm không phải thuốc (theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012) và t măng mức xử phạt nghiêm khắc với các hành vi gắn mác chuyên gia, tung hô công dụng như thuốc chữa bệnh, trong khi sản phẩm không có chứng cứ khoa học.
"Sữa là sản phẩm thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Khi thị trường ngày càng hỗn loạn thì việc đưa sữa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là điều không thể chậm trễ. Đây là giải pháp cần thiết để tái lập trật tự, bảo vệ người tiêu dùng, và buộc doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm pháp lý cũng như đạo đức kinh doanh", luật sư nhấn mạnh.

Một nhãn hiệu sữa bột giả bị phát giác (Ảnh: VTV).
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý
Cũng theo luật sư Tuấn, trước thực trạng hiện nay, không thể chỉ đổ hết lỗi cho doanh nghiệp mà cần nhìn nhận một cách công bằng cả trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát thị trường.
Trích dẫn quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cao nhất trong việc kiểm soát an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm, còn các cơ quan chức năng khác cũng có trách nhiệm phối hợp kiểm soát, quản lý thị trường nói chung.
Trong bối cảnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội phát triển rầm rộ, tràn lan, thiếu kiểm soát, các cơ quan quản lý vẫn có phần bị động, "thả nổi" doanh nghiệp và thường chỉ xử lý sau khi có vi phạm.
Về vấn đề đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp muốn hoạt động chỉ cần nộp hồ sơ trực tuyến, không cần kiểm nghiệm mẫu thực tế trước khi lưu hành, dẫn đến tình trạng "công bố ảo", không đúng thực tế. Ngoài ra, khi xảy ra sai phạm, thường chỉ doanh nghiệp bị xử lý, trong khi cán bộ buông lỏng quản lý, làm việc hình thức lại không bị truy cứu trách nhiệm.
"Để chấm dứt tình trạng "thực phẩm đội lốt thuốc", cần cải tổ mạnh mẽ toàn bộ chuỗi giám sát bằng một số biện pháp cụ thể như thiết lập hệ thống dữ liệu an toàn thực phẩm liên thông giữa các bộ ngành; tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, đặc biệt với những sản phẩm "nhạy cảm" như sữa dành cho trẻ em, người bệnh; siết chặt quảng cáo trên nền tảng số...
Đồng thời, cần áp dụng cơ chế duyệt trước nội dung như với thuốc, tránh tình trạng thổi phồng không kiểm soát và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng kéo dài, chấm dứt tình trạng có trách nhiệm nhưng không ai chịu trách nhiệm", luật sư bình luận.