Con tôi không học 2 buổi/ngày mà vẫn đỗ trường chuyên, lớp chọn
(Dân trí) - Tôi cho rằng thay vì tăng tiết học thì nên cải cách chương trình học. Giảm bớt độ khó của các môn Toán, Lý, Hóa… dành thời gian học các môn hướng nghiệp, kỹ năng sống, như vậy sẽ hợp lý hơn.
Thông tin liên quan đến đề xuất dạy 2 buổi/ngày ở những trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên đối với bậc THCS và THPT và dạy 2 buổi/ngày chương trình chính khóa, trường không được thu phí trong thời gian tới đang là tâm điểm quan tâm của đa số phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) định hướng nội dung dạy 2 buổi/ngày ở những trường có đủ điều kiện gồm:
Nội dung buổi sáng: tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục có trong chương trình với cách sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp tâm sinh lý học sinh, tránh quá tải, giảm áp lực học tập cho học sinh để nâng cao giờ học chính khóa. Tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường dưới hình thức chuyên đề theo môn học hoặc tích hợp liên môn tạo cơ hội học sinh trải nghiệm kiến thức môn học và hình thành phẩm chất năng lực. Nội dung này do giáo viên nhà trường thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.

tôi rất lo lắng nếu tương lai con gái nhỏ của tôi sẽ phải học 2 buổi/1 ngày ở bậc THCS và THPT (Ảnh minh họa: D.T).
Nội dung buổi chiều: Tổ chức cho học sinh học tập và tham gia các hoạt động theo nhu cầu người học (học sinh đăng ký tự nguyện) ở buổi chiều với hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và đa dạng hình thức triển khai và đối tượng tham gia như: tổ chức phụ đạo cho học sinh chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp (theo Thông tư 29); các hoạt động học tăng cường tiếng Anh (với người nước ngoài, theo các chuẩn quốc tế...) để thực hiện chủ trương từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2; học tăng cường hình thành năng lực số, kỹ năng công dân số (AI, tin học chuẩn quốc tế...); các kỹ năng sống cần thiết như hướng nghiệp, an toàn giao thông, kỹ năng sinh tồn...
Nếu các trường bố trí dạy chương trình chính khóa ở cả 2 buổi/ngày thì 100% học sinh bắt buộc phải học và trường hợp này, nhà trường không được thu tiền học buổi 2 của học sinh.
Tôi có hai con gái sinh năm 2006 và 2015, đã từng trải qua hết các giai đoạn con gái học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học nên tôi rất lo lắng nếu tương lai con gái nhỏ của tôi sẽ phải học 2 buổi/1 ngày ở bậc THCS và THPT.
Từ năm học 2017 đến năm 2021, con gái lớn của tôi học trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Thời điểm đó, con tôi chỉ phải học chính khóa buổi sáng, còn buổi chiều là các lớp học nâng cao các môn học Toán, Văn, tiếng Anh và các câu lạc bộ của trường.
Học sinh có quyền lựa chọn đăng ký hoặc không đăng ký học nâng cao, các câu lạc bộ. Em nào đăng ký học mới phải nộp tiền học thêm buổi chiều và câu lạc bộ. Các năm học lớp 6, 7, 8, con tôi chỉ học chính khóa buổi sáng, trưa con về nhà ăn cơm ở nhà, buổi chiều con tự học ở nhà.
Đến năm lớp 9, con học chính khóa buổi sáng, trưa về nhà ăn cơm, chiều tự học ở nhà và đi học thêm môn Toán, Văn ở trung tâm bên ngoài vào hai buổi chiều để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 với mong muốn thi đỗ trường chuyên. Khi đó, con không theo học buổi chiều ở trường, không học thêm ở nhà của thầy, cô giáo dạy chính khóa như đa số các bạn khác đã khiến tôi rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con.
Thấy con có thái độ kiên quyết và tự tin nên tôi tôn trọng ý kiến của con và không ép con học thêm bất cứ môn học nào. Con xin đi học thêm môn nào, học giáo viên nào là quyền lựa chọn của con, con tự đi xe đạp đi học, tôi chỉ cho con tiền nộp học phí.
Kết quả thi vào 10, con đã thi đỗ cả 4 trường con đăng ký đó là: trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông; trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ; trường THPT Chuyên Ngoại ngữ; trường THPT Khoa học Giáo dục. Con đã lựa chọn theo học ngôi trường con mơ ước đó là trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.
Tôi không đồng ý phương án dạy 2 buổi/1 ngày đối với học sinh THPT vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, trường công lập không phải trường nào cũng đủ cơ sở vật chất để cho học sinh nghỉ trưa lại trường. Học sinh tiểu học có thể ngủ trên bàn vì các cháu còn nhỏ. Học sinh THCS, THPT đã lớn, nhiều em cao to hơn cả thầy cô giáo, chỉ có thể trải chiếu nằm đất, lớp có 45-50 học sinh liệu trường nào có lớp học đủ rộng như thế?
Thứ hai, nhà vệ sinh của các trường công lập có đủ tiêu chuẩn vệ sinh không? Các em học sinh nữ một tháng có khoảng 4-7 ngày chu kỳ kinh nguyệt, phải ngồi học cả ngày ở trường rồi lại phải lo vệ sinh tại trường không đủ sạch sẽ sẽ rất bất tiện, mệt mỏi. Nhất là các em học sinh lớp 6 còn nhỏ, chưa đủ kinh nghiệm xử lý.
Thứ ba, tăng chi phí cho việc học buổi 2, không phải gia đình nào cũng lo được.
Thứ tư, tiết học các môn phụ thường xuyên bị đổi thành ôn thi môn Toán, Văn, tiếng Anh, làm bài kiểm tra, tập văn nghệ…
Thứ năm, quản lý học sinh bán trú đối với con THCS, THPT, làm tăng áp lực và trách nhiệm cho Ban Giám hiệu, thầy cô giáo.
Thứ sáu, nhiều em có nguyện vọng đi du học nên muốn dành thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa để làm hồ sơ du học. Ngoài ra, các em cần luyện thi IELTS, SAT (bài thi chuẩn hóa được các đại học trên thế giới dùng xét tuyển đầu vào) hoặc thi các chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Hán, tiếng Đức, tiếng Nhật… để xét tuyển đại học top đầu trong nước hoặc đi du học và học chương trình đào tạo bằng tiếng bản ngữ.
Thứ bảy, ngoài thời gian ôn thi các chứng chỉ quốc tế, thời gian còn lại cho học sinh tự học, tự ôn lại bài cô giảng trên lớp; nghỉ ngơi; phát triển sở thích cá nhân; tham gia các hoạt động thể thao như bơi lội, bóng rổ, thể thao để phát triển chiều cao; giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, lau nhà, nấu cơm, giặt quần áo. Việc xếp lịch học dày đặc ở trường suốt cả ngày dài sẽ khiến học sinh mệt mỏi, uể oải, biếng học. Các em bận học cả ngày cả tối nên hầu như bố mẹ không dám yêu cầu các em làm việc nhà. Nhiều em học cấp 3 vẫn chưa biết nấu cơm, chỉ biết mỗi đập củ hành, củ tỏi.
Thứ tám, dạy 2 buổi/1 ngày chương trình chính khóa, trường không được thu phí. Việc bố trí dạy tăng cường các môn văn hóa sẽ dồn ép áp lực lên đội ngũ giáo viên hiện tại. Việc bố trí dạy thêm tiết dẫn đến vượt chuẩn số tiết quy định sẽ thanh toán thế nào khi nguồn kinh phí của nhà trường hạn chế?
Nếu cứ kêu gọi giáo viên tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh thì thật sự không công bằng với nhà giáo. Họ cũng phải lo cơm áo gạo tiền, cũng phải nuôi con ăn học. Tại sao cứ đòi hỏi giáo viên phải dạy thêm miễn phí? Khi cuộc sống gia đình chưa đủ ấm no thì liệu có ai có thể yên tâm dạy học?
Thiết nghĩ, học 1 buổi hay 2 buổi/1 ngày thì vẫn chỉ có bằng đấy chỉ tiêu được chọn vào cấp 3 công lập hay đại học công. Không phải cứ học hết buổi 2 là tỷ lệ học sinh giỏi cao hơn, đỗ cấp 3 và đại học nhiều hơn.
Tôi chỉ luôn mong ước các con được nghỉ ngơi đầy đủ, vui chơi vừa phải để trưởng thành và lớn khôn một cách khỏe mạnh về trí lực, thể lực, tâm lực. Nếu lịch học 2 buổi/1 ngày bắt buộc sẽ đẩy các em vào lịch học kín mít ở trường, rồi tối lại "cày" ở các "lò luyện", đêm về lại thức khuya làm bài tập hòng đỗ đạt vào trường tốp, lớp chuyên. Lứa tuổi THCS và THPT đầy biến động về tâm sinh lý cần hơn hết những hoạt động kết nối với người thân, với cộng đồng một cách chất lượng, hiệu quả để định hình lý tưởng sống, giá trị sống.
Mong lắm thay quyết sách dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh THCS và THPT sẽ được điều chỉnh hợp lý nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận, niềm tin của phụ huynh và cởi trói áp lực cho học sinh và cả giáo viên.
Độc giả Vũ Thị Minh Huyền