Bài 45:
Vụ 146 Quán Thánh: Ai “chống lưng” cho 3 tầng nhà không phép trên “đất vàng”?
(Dân trí) - Liên quan đến việc cấp sổ đỏ và cấp Giấy phép xây dựng cho nhà số 5 Đặng Dung, qua quá trình thanh tra, ngày 30/11/2015, Thanh tra TP Hà Nội đã có Kết luận thanh tra số 2901/KL-TTTP-P6 trong đó xác định rõ sai phạm trong việc cấp sổ đỏ và việc xây dựng 3 tầng nhà số 5 Đặng Dung là xây dựng không phép.
Vậy những cá nhân, tổ chức vi phạm trong việc để nhà số 5 Đặng Dung xây dựng không phép sẽ bị xử lý như thế nào? PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc độ pháp lý để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thưa luật sư, nhà số 5 Đặng Dung được kết luận xây dựng không phép 3 tầng (được cấp phép xây dựng nhà 4 tầng nhưng hiện nay công trình xây 7 tầng). Vậy cá nhân, tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm về việc để công trình xây dựng sai phép và những cá nhân, tổ chức này sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Xây dựng năm 2003 (nay là khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014) thì hành vi xây dựng công trình không đúng với Giấy phép xây dựng đã được cấp là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Mà theo quy định tại Điều 113 Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 thì trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, UBND xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ quyền hạn sau đây:
“2. Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền do pháp luật quy định;”.
Tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND về ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đó là: Thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cấp xã.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng (đã được thay thế bằng Nghị định 26/2013/NĐ-CP) và Thông tư liên tịch số 20/2008/TTLT-BXD-BNV ngày 16/12/2008 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng thì trách nhiệm của Đội thanh tra xây dựng cấp huyện là tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, lập hồ sơ và đề xuất tới người có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực phụ trách.
Như vậy, việc để cho chủ đầu tư xây dựng công trình số 5 Đặng Dung xây dựng trái phép (vượt số tầng so với Giấy phép xây dựng) là trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND phường Quán Thánh (năm 2008) và Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình. Chủ tịch UBND phường Quán Thánh và cán bộ thuộc Đội thanh tra xây dựng quận Ba Đình sẽ phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình.
Đối với việc để cho chủ đầu tư xây dựng công trình không đúng Giấy phép xây dựng thì chủ tịch UBND phường Quán Thánh và cán bộ, công chức, viên chức thuộc Đội thanh tra xây dựng quận Ba Đình sẽ có thể bị xử lý hành chính tương tự như đối với cán bộ, công chức có sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ ở trên.
Cuốn sổ đỏ được cấp đè lên cả phần đất chung là đường cống nhà 146 Quán Thánh do Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình Bùi Văn Thông ký.
Nhiều năm sau đó, ông Nguyễn Phong Cầm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng không phải hỏi ý kiến người dân việc xây đường cống mới tại số nhà 146 Quán Thánh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, do việc để xảy ra vi phạm là từ năm 2008 nên có thể cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì: Trường hợp công chức đang nghỉ công tác chờ làm thủ tục hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành công vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí cho đến thời điểm có quyết định kỷ luật hoặc có kết luận công chức không vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, đối với viên chức thì tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định: Đối với viên chức đã chuyển công tác mới phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật mà còn trong thời hiệu quy định, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức trước đây tiến hành xử lý kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý viên chức.
Thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
Vậy đối với công trình xây dựng không đúng với Giấy phép xây dựng thì xử lý như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Theo quy định của pháp luật thì hành vi xây dựng sai với Giấy phép xây dựng của chủ đầu tư xây dựng nhà số 5 Đặng Dung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng là 02 năm. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là thời điểm chấm dứt hành vi và đối với đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thì thời điểm chấm dứt hành vi là ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng.
Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt sai phạm mờ ám trong việc cấp sổ đỏ và trật tự xây dựng tại nhà số 5 Đặng Dung dẫn đến vụ việc lù xum 146 Quán Thánh.
Xét ở đây, theo thông tin phản án thì việc xây dựng công trình đã hoàn thiện từ năm 2008. Do đó, tính đến thời điểm phát hiện hành vi vi phạm là năm 2015 thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư có hành vi vi phạm.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BXD thì đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì xử lý như sau:
“b) Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng, người có thẩm quyền lập biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày lập biên bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình vi phạm phải chuyển hồ sơ lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, chuyển cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.”
Như vậy, sau khi đã có Biên bản về hành vi vi phạm của chủ đầu tư, trong thời hạn 02 ngày, UBND phường Quán Thánh có trách nhiệm chuyển hồ sơ lên chủ tịch UBND quận Ba Đình. Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, chủ tịch UBND quận Ba Đình có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình và chuyển cho chủ tịch UBND phường Quán Thánh thực hiện. Trong thời hạn 07 ngày kể từ khi hết thời hạn quy định mà Chủ tịch UBND quận Ba Đình không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ thì Chánh Thanh tra Sở Xây dựng có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Trong trường hợp đó, chủ tịch UBND quận Ba Đình sẽ bị xử lý vì không ban hành quyết định kịp thời theo quy định của pháp luật.
Hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan nhà nước và công nhân viên của Công ty quản lý nhà sau khi được các cơ quan có thẩm quyền xác định rõ ràng cần được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng đối với đường cống thuộc diện tích chung, đường ống này cần được trả lại cho những người dân đồng thời việc sửa chữa đường ống cống cũ theo nguyện vọng của người dân và để tránh tốn kém cho nhà nước.
Xin cảm ơn luật sư!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Ngọc Cương