Bài 49:
Số phận hàng chục người dân 146 Quán Thánh nhìn từ vụ áp thuế 5,7 tỷ
(Dân trí) - Sau 54 kỳ báo điều tra của Dân trí, cụ bà 75 tuổi tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã chạm tay vào công lý trước sự xấu hổ của những vị quan địa phương. Trong khi đó, sau 47 kỳ báo, hàng chục người dân tại số 146 Quán Thánh - Ba Đình vẫn ngắc ngoải bởi “Hà Nội không vội được đâu”. Vậy hai vụ việc “hành dân” này tại sao lại chưa đến cùng một phần kết có hậu?
Bị thu gần 4.000m2 đất, gia đình cụ Lích được cấp lại 610m2 đất thổ cư, tuy nhiên gần 30 năm sau, cụ bà này đứng nguy cơ trắng tay và phải đóng nhiều tỷ đồng để sử dụng chính mảnh đất được “quy đổi” từ 3.925m2 đất mà gia đình bà đã đổ mồ hôi khai phá và được công nhận là lô đất thổ cư từ nhiều năm trước. Gần 50 kỳ báo điều tra của Dân trí đã bóc tách, làm rõ những bất thường của sự việc và thông tin công khai lên công luận, thế nhưng sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ” trong khi chính quyền địa phương thực hiện tinh thần “im lặng là vàng”.
Sự việc tưởng đi vào “ngõ cụt” khi số phận của một người dân kiên quyết bị chính quyền địa phương chối bỏ bằng những quyết định giải quyết khiếu nại lạnh lùng, trái luật. Thế nhưng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tháo gỡ “nút thắt”, tháo gỡ không khí ngột ngạt tại huyện Đức Trọng bằng một chỉ đạo “nóng” đầy quyết liệt trong sự vỡ oà sung sướng của hàng vạn bạn đọc Dân trí.
Để làm rõ sự việc trước tính nghiêm minh của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng phải báo cáo ngay vụ áp thuế hành dân này. Và chỉ trong ít ngày sau đó, chính quyền huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã cấp tốc ra quyết định áp thuế 0 đồng thay vì 5,7 tỷ với cụ bà 75 tuổi.
Tại Lâm Đồng là vậy. Còn tại thủ đô Hà Nội, ngay giữa quận trung tâm Ba Đình, một vụ việc tương tự đã diễn ra suốt nhiều năm nay. Chỉ khác là đây không phải số phận của riêng một người dân mà của hàng chục người dân tại số nhà 146 Quán Thánh.
Báo Dân trí đã đồng hàng cùng những người dân bị “bức tử” bởi nước thải, bởi sự thách thức pháp luật gần 50 kỳ báo. Kết quả là Thanh tra TP Hà Nội đã chính thức ra Kết luận chỉ rõ hàng loạt sai phạm vụ 146 Quán Thánh từ ngày 30/11/2015. Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ cuốn sổ đỏ của nhà số 5 Đặng Dung “ăn” đất chung và chính quyền bị qua mặt để “mọc” thêm 3 tầng không phép.
Thế nhưng, công lý vẫn im lặng. Đã nửa năm trôi qua, sự việc đang có nguy cơ “chìm xuồng” trong khi hàng chục con người tại đây bất lực, tuyệt vọng. Cái xấu, cái ác đang hả hê thách thức pháp luật và dư luận. Hàng chục người dân tại đây cứ “mỏi miệng” kêu cứu còn UBND quận Ba Đình vẫn chưa thể làm xong việc thông một đường cống bị tắc và xử lý sai phạm
Thậm chí, Sau khi Thanh tra TP Hà Nội chính thức kết luận hàng loạt sai phạm trong vụ việc, để giúp UBND quận Ba Đình tìm ra phương án giải cứu các hộ dân tại biển số nhà 146 Quán Thánh một cách tối ưu, hợp lòng dân nhất, báo Dân trí đã thực hiện thăm dò ý kiến với 2 phương án: Khôi phục đường cống cũ bị tắc bởi bê tông và giẻ rách dưới nền nhà số 5 Đặng Dung và Xây đường cống mới bằng ngân sách theo chủ trương của Chủ tịch UBND quận Ba Đình.
Tính đến ngày 2/6, đã có hơn 43.000 bạn đọc tham gia bày tỏ ý kiến “hiến kế” cho UBND quận Ba Đình. Theo đó, 91,7% số bạn đọc đề nghị UBND quận Ba Đình phải khơi thông ngay đường cống cũ đang bị bịt tắc. Chỉ có 8,3% bạn đọc đồng tình với phương án xây đường cống mới bằng tiền ngân sách của UBND quận Ba Đình.
Và điều kỳ lạ là quận Ba Đình vẫn im lặng.
Cụ thể, để có thông tin mới nhất về tiến trình giải quyết vụ việc gây bức xúc dư luận này, sáng ngày 17/5/2016, PV Dân trí đã đến liên hệ làm việc với UBND quận Ba Đình. Một cán bộ của quận Ba Đình yêu cầu phóng viên để lại Giấy giới thiệu của báo Dân trí với nội dung ghi rõ: Liên hệ thông tin về kết quả xử lý sai phạm vụ 146 Quán Thánh. Cán bộ quận Ba Đình cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo quận sắp xếp tài liệu và lịch làm việc với PV Dân trí, đồng thời cam kết sẽ có hồi âm ngay trong tuần.
Không nhận được phản hồi, sáng 23/5, PV Dân trí tiếp tục trao đổi qua điện thoại với ông Bùi Thanh Bình - Chánh văn phòng UBND quận Ba Đình về lịch làm việc theo như hứa hẹn của cán bộ quận Ba Đình. Ông Bình cho biết quận đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập nên rất bận và nhiều việc. Đồng thời, ông Bình cũng hứa hẹn sẽ báo cáo lãnh đạo sắp xếp trao đổi về sự việc.\
Đã gần nửa năm trôi qua từ khi Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt sai phạm mờ ám trong việc cấp sổ đỏ và trật tự xây dựng tại nhà số 5 Đặng Dung dẫn đến vụ việc lù xum 146 Quán Thánh.
Thêm 10 ngày nữa trôi qua, UBND quận Ba Đình vẫn im lặng.
Cũng là hai vụ việc người dân bị hành hạ khốn đốn thì tại Lâm Đồng, cụ Lích đã được giải cứu trong niềm hạnh phúc vỡ oà. Còn tại thủ đô Hà Nội, hàng chục người dân sống trong sự cay đắng, phẫn nộ suốt nhiều năm nay vẫn chưa thể chạm tay vào công lý. Vậy sự khác nhau ở đây là gì? Phải chăng là bởi chưa có một quyết định chỉ đạo “nóng” của Bộ trưởng và yêu cầu báo cáo nghiêm minh sự việc của Thủ tướng Chính phủ như tại tỉnh Lâm Đồng?
Kết bài xin dẫn lại một chia sẻ cũng là một nỗi niềm khắc khoải của bạn đọc Dân trí trong vụ việc đáng xấu hổ này.
“Một việc đã rõ như ban ngày, không thể chối cãi, nằm chình ình ngay tại quận hành chính trung tâm của cả nước, vậy câu hỏi là tại sao cái sai, cái xấu, cái ác cứ trơ trơ như vậy, không bị xử lý? tại sao cả một hệ thống chính quyền quận Ba Đình, phường Quán Thánh bị tê liệt? Tại sao kết luận của Thanh tra TP Hà Nội lại bị bỏ xó. Nhưng tôi tin sự thật và các thiện sẽ chiến thắng. Bởi sự vào cuộc một cách vì dân, để nhân dân tin yêu như cách xử lý vụ cà phê xin chào của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chỉ đạo bắt cướp quyết liệt của Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng chính là niềm tin cho nhân dân, cho sự phát triển của đất nước và niềm tin các vị lãnh đạo sẽ quan tâm sử lý nghiêm vụ việc này, giải cứu hàng chục con người đang bị bức tử trong nước thải giữa thủ đô”, bạn đọc Ma Văn Lả.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế