Từ chuyện Sở Xây dựng "đối đầu" Hiệp hội doanh nghiệp, nghĩ về môi trường đầu tư tại Thanh Hóa

(Dân trí) - Thời gian gần đây, báo chí tốn không ít giấy mực về câu chuyện lùm xùm giữa Sở Xây dựng và Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa. Trên lý thuyết, câu chuyện đã có kết luận bước đầu, tuy nhiên vẫn chưa ngã ngũ khi mà kết luận vẫn còn nhiều điều phải bàn. Bỏ qua một bên việc ai đúng, ai sai, ở đây chỉ đề cập một số vấn đề về môi trường đầu tư tại Thanh Hóa.

DN lớn được “ưu ái”, DN nhỏ như “cá nằm trên thớt”?

Còn nhớ, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã nói để thu hút được các nhà đầu tư đến Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh phải lao tâm, khổ tứ rất nhiều. Điều đó cho thấy tinh thần rất đáng khen ngợi của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Dự án Khu bể bơi, thể thao dưới nước và vui chơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi Kim Tân, huyện Thạch Thành của DN Huy Lâm
Dự án Khu bể bơi, thể thao dưới nước và vui chơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi Kim Tân, huyện Thạch Thành của DN Huy Lâm

Tuy nhiên, đối chiếu vào thực tế thời gian qua về việc đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì dư luận hoài nghi về môi trường và việc hỗ trợ DN trong quá trình đầu tư tại địa phương này.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm và thông tin một số vấn đề dư luận quan tâm do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, nhiều đại biểu có nêu ý kiến về dự án cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Theo đó, ngày 8/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn báo báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Chỉ 2 ngày sau, 10/6, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty xây dựng và thương mại Anh Phát - Công ty Cổ phần & Công ty TNHH MTV Sông Chu (Liên danh Anh Phát - Sông Chu), có vi phạm Luật đầu tư?

Chủ trương chấp thuận đầu tư cho Liên danh Anh Phát - Sông Chu một cách “thần tốc” khiến dư luận cho rằng là trái quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư. Hơn nữa, đây là dự án chồng dự án, lãng phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Bởi thực tế, Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh đã có dự án với công suất 90.000m3/ ngày đêm và giai đoạn một đã xây dựng đưa vào hoạt động công suất 30.000m3/ ngày đêm.

Trong khi đó, một DN nhỏ như doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm (DN Huy Lâm), ở huyện miền núi Thạch Thành đầu tư dự án Khu bể bơi và thể thao dưới nước dành cho các cháu thiếu nhi Kim Tân, Thạch Thành. Đây là một dự án có ý nghĩa khi mà thời gian qua, dư luận đau lòng chứng kiến hàng chục trường hợp đuối nước thương tâm. Hơn nữa, nó được đầu tư theo chủ trương thu hút đầu tư trong Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Thạch Thành. Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020.

Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư một cách thần tốc
Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư một cách "thần tốc"

Dư luận đặt câu hỏi liệu có công bằng, khi một DN đầu tư khu bể bơi và thể thao dưới nước dành cho các cháu thiếu nhi ở một huyện miền núi nằm nơi “rốn lũ” lại trở thành “điểm nóng” tranh cãi về vấn đề chậm thủ tục, sau 5 tháng, DN vẫn chưa được cấp phép và đang đứng trước nguy cơ không được cấp phép xây dựng. Chưa kể, đối diện với số tiền phạt vi phạm trật tự xây dựng lên đến hàng trăm triệu đồng. DN này đã có văn bản trả lại dự án cho tỉnh Thanh Hóa nhưng chưa được lãnh đạo tỉnh nhắc tới và đang cân nhắc có văn bản trả dự án lần thứ hai.

Ý kiến của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói rằng, cũng muốn cố gắng cấp giấy phép cho DN Huy Lâm, nhưng trên thực tế thì đã rõ. Ở đây câu chuyện không còn là việc muốn hay không muốn mà dường như nó đã vượt tầm giải quyết và nói như lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là phải đợi Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận mới có hướng xử lý.

Trong khi đó, cũng tại địa phương này, dự án chung cư Tecco Tower cao 21 tầng, đã xây dựng đến 9 tầng. Trong khi đó, ngày 3/6, Cục quản lý xây dựng, Bộ Xây dựng có văn bản về thông báo kết quả thậm định thiết kế cơ sở. Trong đó đề cập, hồ sơ thiết kế cơ sở dự án cần phải hoàn thiện một số nội dung để đủ điều kiện trình phê duyệt và triển khai bước tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, 6/6, SXD Thanh Hóa đã cấp phép xây dựng cho công trình này?!

Chưa hết, một dự án khác là dự án cung cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn chỉ trong vòng 2 ngày đã được chấp thuận chủ trương đầu tư...Từ đó dư luận có thể đặt câu hỏi về sự thiếu bình đẳng trong môi trường đầu tư tại Thanh Hóa giữa những DN lớn và DN nhỏ.

Theo giải thích của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa về vấn đề thủ tục của dự án cung cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn của Liên danh Anh Phát - Sông Chu, việc mà Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự án chỉ trong vòng 2 ngày, là vì trước đây đơn vị này thẩm định bằng văn bản, xin ý kiến các sở, ngành bằng văn bản. Đối với dự án này là dự án rất cấp bách đòi hỏi cần phải xử lý nhanh để đáp ứng nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn nên chuyển thành hình thức thẩm định là họp và thẩm định dự án.

dsc-0712-1-1470718388418

Dự án đầu tư xây dựng dự án chung cư Tecco Towers tại TP Thanh Hóa.

Còn đối với dự án của DN Huy Lâm, ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói đã chỉ đạo đối với dự án này phải thẩm định ngay. Thanh Hóa là tỉnh quá lớn nên trong quá trình giải quyết có thể có vướng mắc, nhân đây cũng đề nghị các DN khi có vướng mắc có thể điện trực tiếp cho các Phó chủ tịch phụ trách sẽ giải quyết ngay.

Trên thực tế, DN đã phản ánh nhiều lần đến các ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa và kết quả thì dư luận cũng đã được thấy qua những gì mà lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa xử lý vụ việc lùm xùm giữa SXD và HHDN Thanh Hóa từ câu chuyện DN Huy Lâm. Kết quả này cũng đã bị phía HHDN Thanh Hóa phản bác hoàn toàn.

Tại buổi họp báo ngày 5/8, đánh giá về qúa trình thẩm tra dự án của DN Huy Lâm, thời gian có kéo dài, theo ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, có 3 nguyên nhân: “DN không nắm được thủ tục, cho nên lúng túng. Đấy cũng là một cái mà các đồng chí cho rằng, tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến DN lớn mà ko quan tâm đến DN nhỏ, đúng là có một cái là DN nhỏ chưa nắm được thủ tục. Thứ hai là thủ tục quy định hơi phức tạp, DN cũng không nắm được; Thứ ba là chất lượng tư vấn cho dự án này kém...”.

Đồng thời, Chủ tịch Thanh Hóa nêu quan điểm: “Chúng tôi có yêu cầu rất cao đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, đối với chỗ nào có lằng nhằng, biểu hiện về nhũng nhiễu thủ tục hành chính là xử lý nghiêm. Chậm là chúng tôi xử lý ngay”.

Nói như Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, lỗi ở đây là do DN nhỏ không nắm rõ các quy định. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đã nêu: Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế cần bảo đảm nguyên tắc sau:

2. Nguyên tắc

a, Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật. DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

b, Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến DN.

c, Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.

d, Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực lớn như: Vốn, tài nguyên, đất đai...và đầu tư kinh doanh.

e, Các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành và thực hiện chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm.

g, Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

h, Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn DN tuân thủ các quy định của pháp luật.

i, Không hình sự quá quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

k, DN phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Xin nêu thêm một điển hình cũng đang rất “nóng” mà dư luận đã phản ánh, tại thị xã Sầm Sơn, Công ty TNHH Hồng Thắng được tỉnh Thanh Hóa phê quyệt chủ trương đầu tư dự án khách sạn cao cấp. Sau 5 năm, đến nay, chủ đầu tư vẫn đang phải “ngụp lặn” và “tự bơi” khi mà mặt bằng vẫn chưa được bàn giao, lại đối diện với hình thức xử lý của chính quyền chỉ vì xây dựng cái hàng rào bảo vệ đất đã được thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình.

Tại hội thảo "Dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa dưới góc nhìn của cộng đồng DN" diễn ra ngày 11/7 vừa qua tại Hà Nội, Chủ tịch HHDN Thanh Hóa cho rằng: "Chính sách như một ông khổng lổ và khẳng khiu. Đụng vào “ông to” là hàng vạn DN “đứng đường”, họ ưu đãi giao đất sạch, lấy ngân sách nhà nước giải phóng mặt bằng cho DN lớn trong khi nhiều DN lớn làm ăn không tốt, trốn nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động". Thậm chí, Chủ tịch HHDN Thanh Hóa còn ví von, ở một số nơi, DN như "cá nằm trên thớt".

Đã hơn 5 năm nhưng chủ đầu tư là Cty TNHH Hồng Thắng, thị xã Sầm Sơn vẫn chưa được bàn giao hết mặt bằng đã được phê duyệt
Đã hơn 5 năm nhưng chủ đầu tư là Cty TNHH Hồng Thắng, thị xã Sầm Sơn vẫn chưa được bàn giao hết mặt bằng đã được phê duyệt

Ý kiến của Chủ tịch HHDN Thanh Hóa cho rằng, tỉnh Thanh Hóa đã ký kết việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam là ký cho vui mà không thực hiện, triển khai và không nhắc đến Nghị quyết 35 của Thủ tướng.

Trên bảo dưới không nghe?

Việc các DN vi phạm trật tự xây dựng thì đã rõ như ban ngày và sẽ phải chịu các hình thức xử lý vi phạm hành chính của mình. Tuy nhiên, trách nhiệm về quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp?

Tuy nhiên, vụ việc giữa SXD và HHDN Thanh Hóa là rất nhỏ như ý kiến của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Nhưng tại sao vụ việc lại “bùng nổ” trên các phương tiện truyền thông thời gian qua?

Bí thư Tỉnh ủy cũng như Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa từng cho rằng việc này là rất nhỏ, nhưng đã bị các bên “xé” ra to, đẩy lên cao, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa. Dù lãnh đạo tỉnh này đã làm việc và có trao đổi với cả hai bên, nhưng cả SXD và HHDN không kiềm chế.

Tại sao DN đối đầu với cơ quan công quyền?
Tại sao DN đối đầu với cơ quan công quyền?

Ai cũng hiểu, Giám đốc SXD Thanh Hóa là cấp dưới, là cơ quan tham mưu và chịu sự quản lý của UBND tỉnh Thanh Hóa. Nhưng không hiểu sao, đến lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến nhưng vẫn không kiềm chế? để sự việc bị đẩy lên cao, gây xôn xao dư luận thời gian qua. Nói như vậy, Giám đốc SXD không nghe theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Xứng khẳng định: “Về phản ánh, kiến nghị của DN Huy Lâm và HHDN, vừa rồi, đây cũng là một việc rất đáng tiếc của Thanh Hóa trong thời gian qua, ngay sau sự kiện chúng tôi đã gặp gỡ SXD và HHDN. Tôi đã nói việc này không phải là việc lớn, chúng ta có thể xử lý được. Nhưng phải có thời gian để xác minh, làm rõ, có kết luận. Nhưng hai bên cứ đẩy mãi lên, đặt ra cái không công khai về môi trường đầu tư của tỉnh, chúng tôi rất đáng tiếc. Qua thẩm tra, xác minh và báo cáo của Sở Nội vụ thì SXD có những sai sót”.

Duy Tuyên