Vụ Sở Xây dựng bị tố “trả đũa” doanh nghiệp: Kết luận gây nhiều tranh cãi
(Dân trí) - Sau quá trình xác minh vụ việc lùm xùm giữa Sở Xây dựng và Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa. Mới đây, Sở Nội vụ đã có báo cáo kết quả tới Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, trong nội dung báo cáo này còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ...
Sở Xây dựng Thanh Hóa “quên” Luật xây dựng và Nghị quyết 35 của Chính phủ?
Liên quan đến vụ việc giữa Sở Xây dựng (SXD) và Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Thanh Hóa, ngày 28/7, Sở Nội vụ (SNV) đã có báo cáo số 412/BC-SNV về kết quả xác minh.
Theo tài liệu cho thấy, Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm (DN Huy Lâm) đã 3 lần gửi hồ sơ thẩm định dự án Khu bể bơi, thể thao dưới nước và vui chơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi Kim Tân, huyện Thạch Thành về SXD. Cụ thể lần 1 ngày 10/3, lần 2 ngày 15/3 và lần 3 ngày 13/6. Chủ đầu tư cho rằng, SXD chậm thẩm định hồ sơ dẫn đến doanh nghiệp (DN) vi phạm trật tự xây dựng và đến thời điểm này chưa được cấp phép xây dựng công trình nêu trên. Đồng thời, DN cho biết sẽ trả lại dự án nêu trên cho tỉnh Thanh Hóa.
Theo giải trình của SXD, do bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) xử lý nhiều hồ sơ nên bà Đoàn Thị Yến - công chức bộ phận TN&TKQ của sở SXD đã sơ suất, bỏ sót việc yêu cầu chủ DN ký nhận khi lấy hồ sơ và văn bản số 1135/SXD-HĐXS trong sổ theo dõi tiếp nhận hồ sơ của SXD.
Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 102 - Luật Xây dựng 2014, quy định: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép.
Như vậy, SXD với tư cách là cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng sau khi nhận được hồ sơ của chủ đầu tư không tiến hành kiểm tra thực địa như theo quy định của Luật Xây dựng.
Trong khi đó, theo báo cáo của SXD, ngày 13/6, sau khi nhận được hồ sơ (lần 3) của DN Huy Lâm, SXD đang tiến hành thẩm định hồ sơ thì chiều ngày 17/6 nhận được thông tin DN Huy Lâm đã thực hiện thi công xây dựng công trình.
Biên bản làm việc ngày 18/6 tại công trình Khu bể bơi, thể thao dưới nước và vui chơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi Kim Tân có nêu, kiểm tra thực trạng thi công dự án, công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3, đến thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã xây dựng được một số hạng mục.
Tại Điều 2, Nghị định 121, ngày 10/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, quy định: Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và đình chỉ ngay...
Điều đó cho thấy, vai trò quản lý nhà nước của SXD và các đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa có vấn đề, bởi SXD đã đề cập là DN Huy Lâm tiến hành xây dựng từ tháng 3. Đến khi DN có đơn kiến nghị Chủ tịch tỉnh vào ngày 9/6, thì ngày 18/6, Thanh tra SXD tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng đối với công trình nêu trên.
Trong khi đó, theo nguyên tắc tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, quy định: Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến DN; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đảm bảo mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn DN tuân thủ các quy định của pháp luật; rà soát thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho DN theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho DN, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Vi phạm Luật Thanh tra?
Theo giám đốc SXD giải trình việc kiểm tra tại DN Huy Lâm và tại các công trình thuộc Tổng Công ty CP Hợp Lực (Cty Hợp Lực) là hoạt động kiểm tra bình thường theo Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, trong tất cả các biên bản làm việc tại hai đơn vị nêu trên, SXD lại nêu căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 và Nghị định số 86/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra... Trong đó, không hề nêu căn cứ Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 17/2 của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa.
Một điều lạ là ngày 18/6, trong khi tiến hành kiểm tra công trình nêu trên, SXD còn mời cả phóng viên Đài PT-TH Thanh Hóa ghi hình phát sóng đối với các vi phạm về trật tự xây dựng của chủ đầu tư trong khi chưa có kết luận chính thức.
Hơn nữa, công văn số 412 ngày 28/7 của SNV dù mới gửi Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chưa có kết luận chính thức nhưng công văn này đã được “tuồn” ra ngoài. Trong khi đó, SNV lại cho rằng, HHDN có khuyết điểm khi tiếp nhận phản ánh thông tin của hội viên, chưa tiến hành kiểm chứng, xác minh hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh để xác định đúng, sai của sự việc đã thực hiện ngay việc phát hành văn bản phản ánh SXD chậm thẩm định hồ sơ gửi cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều cơ quan trung ương và các cơ quan báo chí làm cho dư luận hiểu sai sự thực, ảnh hưởng đến uy tín của SXD nói riêng và của tỉnh nói chung, đặc biệt ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và hình ảnh tỉnh Thanh Hóa?!
Đồng thời cho rằng, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thanh Hóa có khuyết điểm do nhận được báo cáo của HHDN tỉnh về phản ánh của DN Huy Lâm, cũng chưa kiểm chứng, xác minh dẫn đến có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng phản ánh những nội dung chưa chính xác.
Đại diện VCCI Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, các nội dung mà SNV kiến nghị Chủ tịch tỉnh liên quan đến VCCI đã không được chấp nhận vì đây là kết luận có tính chất “quy chụp”.
Thêm nữa, như SXD khẳng định ở trên, ngày 17/6 đã nhận được thông tin DN Huy Lâm đã thực hiện thi công xây dựng công trình. Nói như vậy, SXD đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng nhưng không ra quyết định thanh tra.
Trong khi đó, tại Khoản 1, 3, 4, Điều 13 - Luật Thanh tra quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.
Ngay sau khi HHDN có công văn báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì SXD tiến hành kiểm tra trật tự xây dựng đối với các công trình có liên quan đến Cty Hợp Lực và người nhà ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HHDN - là người đại diện cho HHDN có ý kiến với Chủ tịch tỉnh khi nhận được phản ánh của hội viên về việc chậm thẩm định hồ sơ của SXD Thanh Hóa.
Theo đó, trong 2 ngày: 20-21/6, Thanh tra SXD phối hợp với Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố Thanh Hóa, UBND phường Đông Thọ tiến hành kiểm tra các công trình vi phạm về trật tự xây dựng liên quan đến Cty Hợp Lực và người nhà ông Đệ.
Nội dung công văn 412 của SNV có nêu, theo báo cáo của Phòng quản lý đô thị và Đội kiểm tra quy tắc đô thị, thành phố Thanh Hóa, việc kiểm tra công trình xây dựng nêu trên đã được Đội kiểm tra quy tắc đô thị và Thanh tra SXD phối hợp lên kế hoạch thực hiện.
Đồng thời, SXD cũng đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2016. Tuy nhiên đối tượng kiểm tra chưa nhận được bất kỳ thông báo hay quyết định thanh kiểm tra nào từ phía SXD Thanh Hóa.
Theo Khoản 2, Điều 44 Luật Thanh tra, quy định: Chậm nhất là 5 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất.
Với những gì đã nêu, thì đây không phải là trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất. Qua phân tích hồ sơ cho thấy, ngày 1/6, Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố Thanh Hóa có Giấy mời gửi Thanh tra SXD về kiểm tra việc thực hiện các hạng mục nhà khung sắt của bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Thời gian là 8h ngày 3/6, đề nghị bệnh viện Đa khoa Hợp Lực chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ có liên quan đến việc cấp phép các hạng mục nhà nói trên.
Nhưng không hiểu sao, mãi đến ngày 20-21/6, Thanh tra SXD mới tiến hành đi kiểm tra công trình nêu trên. Xin nhắc lại, thời điểm này là ngay sau khi HHDN Thanh Hóa có công văn báo cáo Chủ tịch tỉnh về việc SXD chậm thẩm định hồ sơ của DN Huy Lâm. Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi về hoạt động kiểm tra của SXD đối với các DN có bình thường?
Phê bình, rút kinh nghiệm?!
Theo kết luận của SNV, công chức trực tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận TN&TKQ của SXD đã có thiếu sót, khuyết điểm khi nhận hồ sơ của DN thiếu 2 thành phần hồ sơ (lần 1) và trong việc yêu cầu DN ký nhận khi lấy hồ sơ và văn bản số 1135/SXD-HĐXD trong sổ theo dõi tiếp nhận hồ sơ của SXD.
Về phía DN Huy Lâm đã tiến hành thi công công trình ngày sau thời điểm nộp hồ sơ đề nghị thẩm định nên việc phản ánh, kiến nghị SXD chậm thẩm định hồ sơ là nguyên nhân dẫn đến việc DN vi phạm trật tự xây dựng là sai và không có cơ sở.
Quá trình giải quyết thủ tục hành chính của DN Huy Lâm kéo dài do DN và đơn vị tư vấn thực hiện lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công trong thời gian ngắn nên có nhiều sai sót...dẫn đến kéo dài thời gian bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo cho việc thẩm tra và thẩm định hồ sơ theo quy định.
SNV kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo giám đốc SXD tổ chức phê bình, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc giao dịch, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân đối với công chức bộ phận TN&TKQ.
Yêu cầu chủ DN Huy Lâm nghiêm túc rút kinh nghiệm về trách nhiệm của DN trong việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật trong sự việc này; HHDN tỉnh tổ chức kiểm điểm về những nội dung liên quan đến sự việc vừa qua và xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Hiệp hội, những tập thể, cá nhân có liên quan.
Đồng thời, SNV đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị HĐND tỉnh tổ chức kiểm điểm, xem xét về trách nhiệm đại biểu HĐND đối với ông Nguyễn Văn Đệ; VCCI Việt Nam chỉ đạo Chi nhánh VCCI Việt Nam tại Thanh Hóa kiểm điểm theo nội dung kết luận nêu trên...
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Duy Tuyên