DNews

Chuyên gia: "Cần cải thiện sân bãi và thể thao học đường hướng về Olympic"

Trọng Vũ

(Dân trí) - Chuyên gia Dương Vũ Lâm cho rằng thể thao Việt Nam khan hiếm tài năng, thường xuyên thất bại tại Olympic vì chúng ta không có nguồn vận động viên từ học đường và thiếu cơ sở vật chất thể thao.

Chuyên gia: "Cần cải thiện sân bãi và thể thao học đường hướng về Olympic"

Ông Dương Vũ Lâm từng là quan chức thể thao, từng đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch (PCT) Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), PCT Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Tổng thư ký (TTK) Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF).

Ông Lâm là giáo viên tại trường Năng khiếu Nghiệp vụ thể thao TPHCM (nay là Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TPHCM). Đấy là lý do ông Lâm hiểu rõ công tác thể thao đỉnh cao lẫn phong trào, hiểu thể thao chuyên nghiệp lẫn thể thao học đường.

Ông Dương Vũ Lâm chia sẻ với phóng viên Dân trí về nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic, thực trạng thiếu thốn cơ sở vật chất của thể thao hiện nay, cũng như giải pháp để chúng ta có thể cải thiện được điều này.

Lạc hậu về phương pháp

Đâu là nguyên nhân khiến cho thể thao Việt Nam trải qua 2 kỳ Olympic liên tiếp trắng tay, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan, Philippines, hay Indonesia vẫn thành công?

- Đầu tiên là họ có những môn thể thao thế mạnh, giúp họ duy trì khả năng giành huy chương ở đấu trường Olympic, trong khi chúng ta không có những thế mạnh này.

Chuyên gia: Cần cải thiện sân bãi và thể thao học đường hướng về Olympic - 1

Thể thao Đông Nam Á có định hướng tốt hơn thể thao Việt Nam (Ảnh: Reuters).

Thứ hai, cách tiếp cận với Olympic, cách tạo nguồn vận động viên (VĐV) của họ khác chúng ta. Cách tạo nguồn VĐV của những nước như Thái Lan, Philippines có nét tương đồng với những nền thể thao hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Dĩ nhiên, trình độ và hệ thống của Thái Lan và Philippines chưa bằng các quốc gia kể trên, nhưng về cơ bản họ đang học hỏi những mô hình đấy.

Mô hình tạo nguồn VĐV mà ông vừa nói là gì?

- Nguồn VĐV từ thể thao học đường. Không ở đâu và không có hệ thống đào tạo VĐV trẻ nào có lực lượng người trẻ, có lực lượng đầu vào đông đảo như thể thao học đường. Tất cả những quốc gia phát triển thể thao bậc nhất thế giới hiện nay đều có thể thao học đường rất mạnh.

Các VĐV Thái Lan và Philippines hiện nay không ít người có trình độ học vấn tốt, chứng tỏ họ vẫn học văn hóa song song với tập luyện thể thao. Với những nền thể thao như Philippines và Thái Lan, việc phát triển thể thao học đường còn có khả năng cung cấp học bổng cho chính các VĐV tiềm năng của họ sang Mỹ hoặc Nhật Bản tiếp tục phát triển tài năng.

Chuyên gia: Cần cải thiện sân bãi và thể thao học đường hướng về Olympic - 2

Carlos Yulo của Philippines hầu như ở Nhật Bản nhiều năm qua để học đại học, anh chỉ trở về nước khoác áo đội tuyển quốc gia ở các đại hội thể thao lớn (Ảnh: Reuters).

Ví dụ như VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) Carlos Yulo của Philippines, người giành 2 HCV Olympic Paris 2024 tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản, cho thấy mô hình thể thao học đường của Philippines mang lại hiệu quả cao hơn bất kỳ chuyến tập huấn dài hạn nào ở nước ngoài của VĐV, hay của các đội tuyển thể thao khác nhau.

Ở đây chúng ta đừng lo mất tài năng. Các VĐV nhận học bổng và thi đấu cho các trường học ở nước ngoài, chúng ta nên nghĩ họ đang chơi cho một CLB thể thao chuyên nghiệp bên ngoài đất nước, còn khi có giải đấu giữa các quốc gia, như Olympic, họ vẫn quay về đại diện cho đất nước. Trường hợp này đang xảy ra với kỳ thủ cờ vua Lê Quang Liêm.

Có nghĩa là phương pháp "nuôi gà nòi" của thể thao Việt Nam vài năm qua không còn phù hợp với xu thế phát triển VĐV ngày nay?

- Trước đây đúng là các quốc gia, trong đó có cả những nền thể thao mạnh như Nga, Đông Đức, Trung Quốc áp dụng phương pháp "nuôi gà nòi" trong việc đào tạo VĐV thể thao. Nhưng đó là chuyện lâu lắm rồi. Ngày nay, chính Trung Quốc cũng thay đổi đáng kể, họ phát triển mạnh thể thao học đường.

Chuyên gia: Cần cải thiện sân bãi và thể thao học đường hướng về Olympic - 3

Phương pháp "nuôi gà nòi" không còn phù hợp với thể thao Việt Nam (Ảnh: Getty).

Đặc biệt, với các môn mang tính tập thể, việc "nuôi gà nòi" hầu như không còn tồn tại trong môi trường thể thao ngày nay.

Công việc luyện tập thể thao là công việc phải mang tính thường xuyên, liên tục, mang tính cạnh tranh, sàng lọc. Làm gì có môi trường nào hội tụ tất cả các yếu tố vừa nêu như môi trường học đường.

Thế nên, các quốc gia có nền thể thao phát triển hàng đầu thế giới đều đưa thể thao học đường, để mọi người trẻ đều tham gia thể thao. Riêng chuyện năng khiếu phát triển tới đâu, ai có thể trở thành VĐV đỉnh cao, ai không thể, thì quá trình sàng lọc theo lứa tuổi của từng cấp học sẽ làm điều này.

Thua kém về cơ sở vật chất

Nhưng cái khó của thể thao Việt Nam, cái khó của thể thao học đường ở Việt Nam, đó là thiếu cơ sở vật chất phục vụ thể thao, đặc biệt là ở các đô thị như TPHCM và Hà Nội?

Chuyên gia: Cần cải thiện sân bãi và thể thao học đường hướng về Olympic - 4

Không thể có các VĐV tài năng nếu thiếu cơ sở vật chất tốt (Ảnh: Reuters).

- Đây đúng là vấn đề lớn. Không thể phát triển thể thao nếu thiếu cơ sở vật chất. Tôi lấy ví dụ ngày trước thể thao TPHCM mạnh nhất nước, rất nhiều VĐV tài năng ở nhiều môn thi đấu của TPHCM đứng đầu cả nước.

Ngày đó TPHCM có trường Năng khiếu nghiệp vụ thể thao đào tạo rất tốt, có sân bãi thuộc vào hàng tốt nhất nước. Giờ thì hệ thống sân bãi ở TPHCM xuống cấp trầm trọng. Thành phố có trên dưới 10 triệu dân nhưng không có sân vận động nào có sức chứa 40.000 người trở lên để phát triển bóng đá và điền kinh.

TPHCM không còn đủ khả năng độc lập tổ chức một kỳ SEA Games, hay thậm chí không còn khả năng độc lập tổ chức một kỳ Hội khỏe Phù Đổng cấp quốc gia, vì thiếu cơ sở vật chất. Thiếu cơ sở vật chất, thể thao TPHCM sa sút hẳn. Từ chuyện của một địa phương, chúng ta có thể suy ra thực trạng của một ngành thể thao của đất nước.

Đấy có phải là điều mà chúng ta phải nhanh chóng cải thiện để không phải chứng kiến những kỳ Olympic thất bại tiếp theo sau đây 4, 8 hay 12 năm nữa?

- Tôi chưa dám nói về chuyện thành công ngay lập tức, vì thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nếu chúng ta không cải thiện 2 điều sau đây, gồm đưa thể thao vào học đường và không cải thiện cơ sở vật chất, chúng ta chắc chắn tiếp tục thất bại tại Olympic.

Chuyên gia: Cần cải thiện sân bãi và thể thao học đường hướng về Olympic - 5

Không có cơ sở vật chất, các VĐV sẽ không có nơi tập luyện và thi đấu (Ảnh: Getty).

Để cho ra lò một thế hệ VĐV tài năng, chúng ta phải mất 10-12 năm đào tạo. Để có được một người đứng trên đỉnh cao, chúng ta có khi phải sàng lọc từ cả ngàn VĐV có năng khiếu. Không ở đâu, không môi trường nào có nhiều thời gian và nhiều VĐV trẻ hơn môi trường học đường.

Còn về chuyện cơ sở vật chất dành cho thể thao, các VĐV không thể tập luyện và không thể thi đấu mà không có sân bãi được. Sân bãi là yếu tố tiên quyết để đào tạo VĐV.

Đó là chưa kể xây dựng cơ sở vật chất dành cho thể thao mang đến những nhiều cái lợi vô hình khác nữa, thêm sân bãi cho giới trẻ tập luyện và thi đấu thể thao sẽ giảm chi phí để xây bệnh viện, giảm được bệnh tật. Thêm sân bãi dành cho thể thao có thể giảm được nhiều tệ nạn xã hội…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Cựu giảng viên Đại học TDTT TPHCM Đoàn Minh Xương: Cơ sở vật chất dành cho thể thao tỷ lệ thuận với thành tích

Đừng nói đến các đại hội thể thao quốc tế lớn, TPHCM hiện còn không thể một mình tổ chức Hội khỏe phù đổng toàn quốc. Muốn đăng cai Hội khỏe phù đổng toàn quốc, TPHCM phải liên kết với Đồng Nai, Bình Dương, vì cơ sở vật chất dành cho thể thao tại TPHCM không đủ để tổ chức một đại hội như thế này.

Đấy là một thực tế rất đau lòng và cũng là thực tế phản ánh lý do vì sao thể thao TPHCM không còn mạnh như xưa. Sân Hoa Lư (ở Quận 1) xuống cấp nghiêm trọng, hầu như không thể tập luyện và thi đấu đỉnh cao nữa, trong khi Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (ở Quận 3) đã tháo dỡ từ lâu…

Có sân bãi sẽ có VĐV, có VĐV sẽ có hệ thống thi đấu, có hệ thống thi đấu sẽ có nhà đầu tư và có tài năng thể thao.

Tôi nói một cách hình tượng, muốn phòng chống đuối nước cho trẻ em, phải cho các em học bơi. Muốn các em học bơi, dứt khoát phải có hồ bơi. Còn ngược lại, dù lý thuyết có tốt đến thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu các em không được xuống hồ bơi, chắc chắn các em sẽ không biết bơi.