Vụ nam sinh bị đánh chết não: Áp dụng chế tài đối với nghi phạm ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, do bị can chưa đủ 18 tuổi, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng không quá 3/4 khung hình phạt pháp luật quy định. Như vậy, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 10 năm 6 tháng tù.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên (Hà Nội) mới đây đã hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Trương Văn Minh (16 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Minh là người đã hành hung em N.H.Đ. (14 tuổi, học sinh trường THCS Việt Hưng, quận Long Biên) chiều 17/3 khiến nạn nhân tử vong. 

Liên quan tới vụ án, T.V.K. (12 tuổi, em trai Minh) được xác định là đồng phạm nhưng do chưa đủ tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự còn ông T.V.T. (bố Minh) được xác định không phải đồng phạm với con trai để gây thương tích khiến nạn nhân tử vong. 

Với những diễn biến mới nhất như trên, độc giả thắc mắc Minh có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật? Bố và em trai Minh dù không bị xử lý hình sự nhưng có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân hay không?. 

Vụ nam sinh bị đánh chết não: Áp dụng chế tài đối với nghi phạm ra sao? - 1

Bị can Trương Văn Minh (Ảnh: Công an cung cấp).

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người có thể đối diện khung hình phạt 7-14 năm tù giam. 

Theo khoản 1, Điều 101 Bộ luật này, nếu người phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong trường hợp tội danh bị khởi tố có khung hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Đối chiếu trường hợp trên, có thể thấy do Trương Văn Minh chưa đủ 18 tuổi, việc áp dụng chế tài đối với bị can sẽ căn cứ các quy định tại khoản 4, Điều 134 và khoản 1, Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đó, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng cho thanh niên này là 10 năm 6 tháng tù. 

Ngoài ra, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận cho bị can từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, căn cứ Điều 54 Bộ luật này, Tòa án có thể xem xét tuyên phạt bị can khung hình phạt thấp hơn mức phạt thấp nhất của tội danh mà bị can bị truy tố.  

Đối với em trai của Minh là T.V.K. (12 tuổi), dù được coi là đồng phạm nhưng do K. chưa đủ 14 tuổi nên việc xử lý hình sự sẽ không được áp dụng mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương.

Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho con theo quy định của pháp luật. Đối chiếu trường hợp trên, luật sư cho biết với việc K. chưa đủ 15 tuổi, trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân trong phạm vi lỗi của K. gây ra sẽ thuộc về cha mẹ của thiếu niên này. 

Việc xác định mức bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ căn cứ quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, trong đó bao gồm các khoản như a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hay thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, gia đình K. còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở, tương đương 180 triệu đồng. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm