Quyết định chưa thấu tình đạt lý của TP Đà Nẵng

(Dân trí) - Đã từ lâu tôi rất ngưỡng mộ những chiến lược và quyết định cũng như cách làm của TP Đà Nẵng trong các lĩnh vực cụ thể: phát triển và quản lý đô thị, an sinh xã hội và an ninh trật tự…Nhưng lần này tôi không thể đồng tình và thấy cần lên tiếng.

Đà Nẵng nổi tiếng là nơi có những cách làm sáng tạo, mạnh dạn, hợp hiến, hợp lòng dân nên đã đạt được những bước tiến vững chắc, xứng danh TP trung tâm Miền trung và Tây Nguyên.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vì lý do đó, tôi đã lựa chọn nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trau dồi phong cách làm việc của Đà Nẵng qua lớp đào tạo tại chức của ĐHBK Đà Nẵng. Thật tình nếu không vì nhiều lý do thì ai cũng muốn được đào tạo qua loại hình chính quy, thế nhưng trong cuộc sống có vô vàn cách để vào đời, để học tập, làm việc và thăng tiến. Bởi vậy nếu ai đó xem loại hình đào tạo tại chức (thường xuyên) là một thứ rẽ rúng theo kiểu “vơ đũa cả nắm” thì e chính  người đó không có trái tim, không có nhận thức đúng đắn về thực tiễn cuộc sống. Các bạn hãy tìm hiểu xem các thế hệ cán bộ lớp trước được đào tạo như thế nào? Cũng là bình dân học vụ, các lớp công nông, đào tạo tại chức, chuyên tu…thế mà xuất hiện rất đông cán bộ các ngành có đầy đủ năng lực học vấn, chuyên môn, nhiệt huyết gánh vác sứ mạng chiến đấu, quản lý xã hội Việt Nam từ chiến tranh đến hòa bình. Tôi có may mắn được chứng kiến ví dụ từ ngay bố mình, một anh nông dân đặc sệt được giác ngộ cách mạng, tham gia hai cuộc chiến tranh vệ quốc, chỉ được đào tạo qua các loại hình như đã nhắc ở trên nhưng trong cương vị chiến sĩ hay cán bộ thì ông là tấm gương sáng cho các con. Từng được học khoa học kỹ thuật hình sự tại Liên Xô những năm đầu 1960. Tôi không thể thống kê một cách cơ học thành tích của ông vì sợ làm tổn thương đến rất nhiều tấm gương có hoàn cảnh tương tự mà không được nhắc tới.

Còn nói về kinh nghiệm của chúng tôi, những cán bộ sau khi được đào tạo tại chức về bắt tay ngay vào công việc chuyên môn của mình để giải quyết và tìm hiểu những vấn đề trước đó thường nan giải khi chưa được đào tạo qua trường lớp và kết quả được công ty ghi nhận là tốt .

Ai đó đã nói việc học là do chính người học, thầy giáo nhà trường như là con đò đưa người học đến bến đỗ. Chính quy hay tại chức đều phải tự học mới giỏi. Hãy suy nghĩ hàng trăm thủ khoa đầu ra Đại học hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số đó là thủ khoa đầu vào!  Qua đó nếu chỉ nhìn vào hình thức đào tạo, vào bảng thành tích của quá khứ để đánh giá trình độ và năng lực làm việc là xa rời thực tế và cũng là biểu hiện của căn bệnh quan liêu, cửa quyền.

Theo tôi, quyết định của thành phố Đà Nẵng (trường hợp này chưa hẳn được lòng dân) về cơ chế tuyển dụng công chức cần được xem xét thấu đáo trên nhiều phương diện cùng với những tác động sâu xa của nó:

  1. Thực thi Hiến pháp, pháp luật; cơ chế chính sách về đào tạo con người trong giai đoạn hiện nay. Liệu chủ trương này của TP Đà Nẵng có ngược lại với Luật giáo dục không phân biệt đối xử giữa bằng chính quy và bằng tại chức, đồng thời không đúng với xu thế phải học tập suốt đời của thời đại xây dựng xã hội học tập. Và đấy cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đề ra.
  2. Có thống kê cụ thể nào đáng tin cậy (đã kiểm chứng) về sự bất tài, bất dụng nếu học tại chức đối với công chức tại địa bàn hẹp: TP Đà Nẵng (Không cần thống kê cả nước)
  3. TP Đà Nẵng có tham vấn các cơ sở đào tạo cung cấp lao động trên địa bàn về chính sách “đầu ra” theo quyết định của mình.
  4. Thành phố đã có chiến lược gì về công tác cán bộ đảm bảo không phân biệt đối xử đối với nhân lực của mình (tuyển dụng đúng người qua động cơ, năng lực chuyên môn, học vấn và tư duy làm việc sáng tạo của ứng viên).
  5. Đề nghị Bộ giáo dục và đào tạo thay mặt nhà nước và chính phủ lên tiếng về tính hợp pháp và khả thi của quyết định này.

Nếu TP Đà Nẵng không chứng minh được việc ra quyết định của mình là đúng đắn, phù hợp với pháp luật hiện hành cũng như sự phát triển và ổn định xã hội thì đề nghị Đà Nẵng phải rút lại quyết định và nghiêm túc kiểm điểm.

 

Vì sự nghiệp đào tạo và phát triển con người cần có cái nhìn tổng quát và thấu đáo mỗi khi đưa ra quyết định mà phạm vi ảnh hưởng của nó tác động đến  nhiều số phận con người; thậm chí còn làm chậm trễ sự phát triển của xã hội.

Tôi mong rằng Đà Năng cũng như các cơ quan hữu trách cấp trên xem xét những kiến nghị của tôi.

                                                                                    tanhanh_gl@yahoo.com

 

LTS Dân trí-Tác giả bài viết trên đây vốn là một công dân của chính thành phố Đà Nẵng đặt ra những câu hỏi đáng phải suy ngẫm và cần được trả lời không chỉ đối với Đà Nãng mà cả Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có trách nhiệm cao nhất về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nói chung và đại học nói riêng.

Công tác tuyển dụng viên chức Nhà nước vốn lâu nay đã rối rắm, không thể hiện được sự công bằng, minh bạch tại nhiều nơi, nhiều địa phương. Thiết nghĩ Đà Nẵng không thể khắc phục tình trạng này bằng một phép loại trừ đơn giản, nhất là điều đó lại trái với Luật Giáo dục không phân biệt giá trị giữa bằng chính quy và bằng tại chức.

Hơn nữa, chân lý bao giờ cũng cụ thể. Muốn đánh đúng năng lực, phẩm chất của một viên chức cần tuyển dụng thì phải có những tiêu chí cụ thể và thông qua những phương pháp đánh giá khách quan cần thiết, còn bằng cấp chỉ là cơ sở ban đầu để xem xét.

 

Dòng sự kiện: Bằng tại chức