Nói đi cũng phải nói lại về nghề thầy thuốc
Chúng tôi đồng ý về cơ bản với nhiều bài viết phản ảnh những mặt tiêu cực ở bệnh viện, nhưng nói đi cũng phải nói lại. Với tệ nạn “phong bì” chung của toàn xã hội như hiện nay thì việc nhận “phong bì” của thầy thuốc chỉ là vấn đề vô cùng nhỏ nhoi chưa đáng để lên tiếng.
Tôi nói như vậy bởi nhẽ: 1 bác sỹ (học tất cả 6 năm đại và có thể phải học thêm 3 năm chuyên khoa nữa) để vào đuợc vị trí làm việc ở những bệnh viện trung ương hay bệnh viện tỉnh thì phải “mua”với giá khoảng 4.000 - 6.000 USD nếu quen biết; còn không quen biết thì làm sao vào được?
Nếu chỉ là y tá, muốn vào được những nơi như vậy thì giá mua còn phải cao hơn, mà lương của thầy thuốc hiện nay thì chỉ khoảng trên một triệu đồng, thử hỏi làm sao sống được bằng từng đó lương với mọi chi phí trong 1 tháng?
Vậy sao những người bệnh nhân lại đòi hỏi những người thầy thuốc phải nhịn ăn, nhịn mặc để làm đầy tớ cho các bạn, phục vụ thứ quí giá nhất là “SỨC KHỎE” của các bạn mà chẳng được bù đắp, hưởng thành quả lao động của chính mình????
Các bạn thử nghĩ xem, khi đi xe máy đến cơ quan nếu hết xăng thì sao? Bạn sẵn sàng bỏ tiền ra mua xăng để xe máy mang bạn đến nơi làm việc, còn khi sức khỏe của bạn suy sụp bạn lại chỉ muốn được hưởng sự phục vụ của các thầy thuốc với giá rẻ mạt, lại còn kêu ca và lên án lương tâm người thầy thuốc.
Vậy thử hỏi lương tâm của các bạn, của xã hội để ở đâu và có bao giờ dành cho những người “thầy thuốc như mẹ hiền” không????
Đấy là những lời tâm sự thật của tôi.
LTS Dân trí: Trước hết, chúng tôi hoan nghênh “tâm sự thật” của bạn. Cái gì cũng vậy phải trao đi đổi lại mới làm rõ thêm chân lý, và hơn thế mới tìm ra cội nguồn nguyên nhân những tệ nạn đang diễn ra hằng ngày hằng giờ tại nơi vốn làm nhiệm vụ cao quý là chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi của các Thầy thuốc là những “người trong cuộc” để tìm ra biện pháp khắc phục và lấy lại uy tín cũng như danh dự cao quý của các lương y.
Qua ý kiến phản ảnh trên, chúng ta được biết thêm một tệ nạn nữa trong ngành y tế, mà người nhận hối lộ trong tệ nạn này lại chính là người có chức có quyền trong bộ máy tổ chức của bệnh viện, đó là việc mua bán chỗ làm việc ở những bệnh viện lớn - những nơi có thể “hái” ra tiền bằng nguồn thu phong bì, chứ nếu số tiền phong bì là “vô cùng nhỏ nhoi” như bạn nói thì không ai dại gì lại bỏ ra 4.000 - 6.000 USD để đổi lấy cái đồng lương còm cõi không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Trước “lý lẽ” mà bạn buoitoida@yahoo.com nêu lên thì chuyện nhận “phong bì” của Thầy thuốc là lẽ đương nhiên, hoàn toàn đúng với “đạo lý” được hưởng thành quả lao động của mình?! Điều này đúng hay sai, xin dành cho những ý kiến trao đổi tiếp theo và cuối cùng chúng tôi - Ban Biên tập báo Điện tử Dân trí cũng như đông đảo ban đọc - muốn được nghe ý kiến phát biểu chính thức của tân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu về loạt bài báo đã nêu về những tệ nạn có thể nói là nhức nhối đang diễn ra ở hầu hết các bệnh viện.