Nhịp cầu bạn đọc số 4: Doanh nghiệp đầu tư làm điện gió tại Quảng Trị kêu cứu!

(Dân trí) - Báo Dân Trí đã nhận được đơn, thư khiếu nại của bạn đọc về việc chính quyền địa phương không cấp giấy chứng nhận QSDĐ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ sai, yêu cầu trả lại đất của gia đình bị chiếm, đầu tư điện gió nguy cơ thất bại... Báo Dân Trí đã chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của Công ty cổ phần tổng công ty Tân Hoàn Cầu, có trụ sở tại KCN Tây bắc Đồng Hới, phường Bắc Lý - TP Đồng Hới (Quảng Trị) cho biết: Ngày 7/12/2015, các sở ngành chức năng có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất giao Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 và Hướng Phùng 2. Công ty Tân Hoàn Cầu thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Trị, phối hợp với các sở ngành liên quan của để đưa các dự án trên vào quy hoạch của Bộ Công thương.

Trong khi Công ty Tân Hoàn Cầu chờ quyết định phê duyệt đầu tư của UBND tỉnh Quảng Trị thì ngày 16/12/2015, UBND tỉnh này tại văn bản số 4933 đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Việt Ren nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất đầu tư nhà máy điện gió Hướng Phùng 2. Ngày 22/2/2017, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục đồng ý cho Công ty Thủy điện Quảng Trị nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất dự án đầu tư điện gió Hướng Phùng 1.

Theo đơn thư, Công ty Tân Hoàn Cầu cho rằng việc UBND tỉnh Quảng Trị cho phép các công ty khác cùng lập hồ sơ đầu tư điện gió Hướng Phùng 1 và 2 đã gây tổn thất cho Công ty. Cụ thể, công ty Tân Hoàn Cầu đã đầu tư đường dây truyền tải 110kV và trạm biến áp 110/22kV để đấu nối, truyền tải toàn bộ 4 dự án điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2, Hướng Phùng 1, Hướng Phùng 2 (trong đó Hướng Linh 1 và 2, Công ty Tân Hoàn Cầu đã đầu tư trên 3.108 tỷ đồng, phát điện vào tháng 5/2017 và quý 4/2017) vào lưới điện quốc gia với tổng mức đầu tư lớn. Nếu không được đầu tư dự án điện gió Hướng Phùng 1 và 2 thì nguồn kinh phí bỏ ra cho 2 dự án Hướng Linh 1 và 2 là quá lớn, sau này công ty không thể thu hồi được vốn.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Quảng Trị; Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Trị xem xét, giải quyết các nội dung đơn thư và hồi âm đến bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được Đơn khiếu nại của ông Bùi Ngọc Thành, ngụ tại 22/1/42 đường Nguyễn Văn Săng, phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, TPHCM về việc mua đất tại huyện Hóc Môn nhưng không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Trong đơn, ông Thành cho biết: Năm 2001 ông và một số hộ dân mua đất tại ấp Mới, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, thuộc dự án đã được phê duyệt. Trong suốt thời gian qua, ông Thành đã liên hệ với phòng Địa chính huyện và UBND xã để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, cán bộ địa chính xã lại trả lời là chưa có cơ sở hạ tầng nên chưa cấp giấy.

Báo Điện tử Dân Trí đã chuyển đơn của ông Bùi Ngọc Thành đến UBND quận Hoác Môn xem xét, giải quyết.

Báo Dân trí nhận được Đơn khiếu nại của bà Lâm Kim Linh, ngụ tại 306/24 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TPHCM về việc chính quyền quận cấp giấy phép xây dựng lấn chiếm hẽm chung của người dân.

Theo đơn khiếu nại, chủ hộ căn nhà số 306/26, cạnh nhà bà Linh, đã xây dựng lấn chiếm hẽm chung và đào lấn sang móng nhà bà Linh, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà bà Linh. Bà Linh cho biết chính quyền quận 3 đã cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận phần đất lấn hẽm cho nhà số 306/26. Bà đã khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết.

Báo Điện tử Dân trí đã chuyển đơn của bà Lâm Kim Linh đến UBND TPHCM xem xét, giải quyết.

Báo Dân trí nhận được Đơn tố cáo của ông Trương Văn Nắng, thường trú tại 19/37 Trần Đình Xu, phường Cầu Kho, Quận 1 về việc đòi lại đất bị chiếm ở huyện Cần Giờ.

Theo trình bày của ông Nắng, năm 1955, cha mẹ ông có mua 93.057m2 đất tại huyện Cần Giờ để sản xuất. Năm 1959, do chiến tranh, gia đình ông phải bỏ quê đi tản cư. Sau 30/04/1075, mẹ ông về sống ở Cần Giờ, đến 1992 thì qua đời. Phần đất này một phần bị các gia đình khác chiếm dụng, một phần chính quyền địa phương lấy cho thuê. Sau khi mẹ qua đời, ông Nắng có đề nghị trả lại đất nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Báo Điện tử Dân Trí đã chuyển đơn của ông Trương Văn Nắng đến UBND TPHCM xem xét, giải quyết.

Trung Phương