Nhịp cầu bạn đọc số 3: Công dân đề nghị làm rõ việc thu hồi đất của dân giao doanh nghiệp làm dự án!
(Dân trí) - Báo Dân Trí đã nhận được đơn, thư khiếu nại của bạn đọc về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng hoặc không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, về việc đình chỉ vụ án sai luật để tránh bồi thường oan sai. Báo Dân Trí đã chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được Đơn kiến nghị của Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đại diện theo ủy quyền cho Ông Phạm Gia Thụy, sinh năm 1950, cùng vợ là bà Phạm Thị Ngượi, sinh năm 1954, cùng trú tại: số 1A1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Nội dung đơn cho biết: “Ông Phạm Gia Thụy và Bà Phạm Thị Ngượi là công dân, bị đơn trong vụ án Tranh chấp hợp đồng vay tài sản với Nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á, địa chỉ 115-121 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Hiện ông Thụy và bà Ngượi đã nộp đơn khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chúng tôi kiến nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét lại toàn bộ nội dung, quyết định bản án dân sự phúc thẩm số 495/2015/DS-PT ngày 22/04/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để vụ án được giải quyết một cách công tâm, khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Nội dung, kết luận trong Bản án dân sự phúc thẩm số 495/2015/DS-PT ngày 22/04/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu làm sai lệch các tình tiết, chứng cứ không phù hợp với các quy định của pháp luật:
Trong suốt quá trình giải quyết vụ án Tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa ông Thụy, bà Ngượi với Nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á diễn ra từ năm 2010 đến trước ngày bản án phúc thẩm số 495/2015/DS-PT có hiệu lực vào ngày 22/04/2015, mọi căn cứ đều chứng minh tại thời điểm ông Thụy, bà Ngượi ký hợp đồng tín dụng số 261/ĐS1/HĐTG-TB ngày 18/8/2007 và Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 21/8/2007 với Ngân hàng TMCP Việt Á - CN Tân Bình thì Ngân hàng TMCP Việt Á đều không có chức năng kinh doanh vàng đã được thể hiện rất rõ tại Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-KNGĐT - V12 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với bản án phúc thẩm dân sự số 511/2011/DSPT ngày 09/5/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đề nghị của Công ty Luật TNHH Thiên Minh đến TAND Cấp cao tạo TP HCM; VKSND Cấp cao tại TP HCM; Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội xem xét, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí tiếp tục nhận được đơn của bà Đỗ Thị Bỉnh (SN 1956), trú tại Tổ 54 Phường Kim Tân, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai.
Nội dung đơn cho biết: “Tôi và chồng tôi là ông Nguyễn Trường An làm công nhân Công ty xây dựng số 2 Lào Cai, gia đình tôi từ Yên Bái chuyển lên Lào Cai để xây dựng vùng kinh tế. Khi làm công nhân cho Công ty xây dựng số 2 Lào Cai gia đình tôi có khai hoang cư trú và sinh sống trên thửa đất gần công ty từ tháng 04/1993. Thửa đất trên hiện nay là tổ 54, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Trong quá trình sinh sống tại đây gia đình tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, sử dụng liên tục, ổn định và không có bất kỳ tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào.
Ngày 07/05/2013 UBND thành phố Lào Cai ban hành Quyết định số 918 thu hồi đất của hộ gia đình tôi là 63m2 đất. “vị trí thu hồi: thửa đất số 32B, tờ bản đồ số 09, địa chỉ: tổ 54 phường Kim Tân, thành phố Lào Cai” giao cho công ty Chiến Thắng thực hiện công trình khu du lịch sinh thái Chiến Thắng thuộc phường Kim Tân và phường Bắc Cường thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Nhưng UBND thành phố Lào Cai đã không ra quyết định bồi thường, hỗ trợ cho hộ nhà tôi đối với thửa đất trên, mà chỉ ra quyết định bồi thường hỗ trợ đối với quyết định thu hồi đất số 959 ngày 08/05/2013 là 195m2 cho dự án công trình Cầu Ngòi Đum nối đường Ngô Quyền(nhánh 9) với khu đô thị mới thành phố Lào Cai.
Việc UBND thành phố Lào Cai đứng ra thu hồi 63m2 đất của tôi rồi giao lại cho công ty Chiến Thắng làm dự án mà không ra quyết định hỗ trợ, bồi thường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình nhà tôi. Tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị giải quyết chế độ cho gia đình tôi khi thu hồi diện tích 63m2 nhưng không được UBND TP Lào Cai trả lời. Sau khi thu hồi giao lại cho công ty chiến Thắng san lấp mặt bằng chia lô để bán cho các hộ dân trên địa bàn để thu lợi”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của bà Đỗ Thị Bỉnh đến Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Lào Cai; Sở TN&MT tỉnh Lào Cai; UBND TP lào Cai xem xét giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân ở nút giao thông ngã tư Lê Hồng Phong - Ngô Gia Tự (quận Hải An - TP Hải Phòng) trong diện nhà nước thu hồi đất, nhà ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và phát triển giao thông đô thị Hải Phòng (Hạng mục xây dựng tuyến đường Bắc Sơn - Nam Hải) tại phường Thành Tô - quận Hải An.
Các hộ dân cho biết luôn ủng hộ và chấp hành, mong muốn dự án tiến hành nhanh, sớm hoàn thành để phát triển đô thị.
“Tuy nhiên, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận lập ra trái với khung chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vì thế, hai ngày 28/12/2016 trong vòng chưa đầy 1 tiếng từ 17h, ông Chủ tịch quận Hải An mời chúng tôi đối thoại và đã bác bỏ hoàn toàn kiến nghị của nhân dân. Cùng trong ngày 28/12/2016 (trước khi họp với dân), ông Phó chủ tịch UBND Quận Nguyễn Công Hân đã ký quyết định phê duyệt dự án bồi thường, trong đó giá đất lại giảm đi so với phương án mà UBND Quận đã giao cho các hộ trước đó.
Từ những vấn đề trên, chúng tôi đề nghị UBND quận Hải An phải bồi thường giá đất hợp pháp cho chúng tôi sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường ở thời điểm hiện tại; Cấp tái định cư cho các hộ có thửa đất số 27, 28 và 69 là những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đã bị mất bằng hoặc trên 30% (tại trang 6 khung chính sách) là người có đất ở hợp pháp (Cột 4 trang 15 khung chính sách).
Đất dân cư mà UBND quận cho là hành lang giao thông và đất lấm chiếm là hoàn toàn sai vì năm 1992 khi giao đất cho chúng tôi, Giám đốc nông trường Thành Tô thời điểm đó đã yêu cầu chúng tôi mỗi hộ phải nộp 2 triệu đồng (thời điểm đó 100m2 đất ở có giá 15 triệu đồng) để nông trường xây mương tiêu (hiện nay đang sử dụng) được phép đổ đất tôn tạo hai bên và sử dụng đến nay đã 24 năm. Chúng tôi sử dụng ổn định và không có tranh chấp, nhắc nhở nào từ phía các cấp chính quyền. Như vậy, có thể nói đất của chúng tôi là hợp pháp”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến UBND TP Hải Phòng; Sở TN&MT TP Hải Phòng; UBND quận Hải An xem xét giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được Đơn khiếu nại của bà Phan Thị Đông Hải, ngụ tại số 2 đường số 4, khu phố 7, phường Bình Hưng, quận Bình Tân, TPHCM về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng diện tích, nguồn gốc sử dụng loại đất.
Bà Hải đại diện cho các anh chị em trong gia đình bà khiếu nại với nội dung: Trước đây cha mẹ có để lại khu đất diện tích 4.406m2. Năm 2013, UBND quận Bình Tân thông báo khu đất này nằm trong diện tích quy hoạch trường học. Gia đình bà chấp hành theo quy hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý thì phát hiện trước đây UBND quận cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng về diện tích, về mục đích sử dụng và không đúng thửa đất. Gia đình bà đã khiếu nại nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
Báo Dân Trí đã chuyển đơn của bà Phan Thị Đông Hải đến UBND TPHCM xem xét, giải quyết.
Báo Dân trí nhận được Đơn khiếu nại của bà Trần Tam Nữ, ngụ tại số 99B Phạm Hữu Chí, phường 15, quận 5, TPHCM về việc không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Trong đơn, bà Nữ cho biết: Năm 1983, cha mẹ bà có mua căn nhà số 99B Phạm Hữu Chí và đã làm thủ tục mua bán, chuyển dịch, đến năm 1996 làm thủ tục xây dựng lại nhà. Năm 2008, mẹ bà Nữ mất, bà Nữ đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và làm thủ tục trước bạ tại Chi cục Thuế quận 5. Năm 2014, bà làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đến nay chưa được cấp vì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 5 yêu cầu xác nhận lại nghĩa vụ tài chính vào năm 1983.
Báo Dân trí đã chuyển đơn của bà Trần Tam Nữ đến UBND TPHCM xem xét, giải quyết.
Báo Dân trí nhận được Đơn tố cáo của ông Trần Bá Đại, thường trú tại ấp 1, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai về việc Viện KSND huyện Cẩm Mỹ tránh né bồi thường oan sai.
Trong đơn, ông Đại cho biết: Trước đây ông là cán bộ địa chính xã. Từ năm 2013 đến 2016 ông là bị can trong vụ án hình sự, bị Viện KSND huyện truy tố tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau đó, TAND huyện cũng tuyên ông Đại tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, ngày 21/01/2015, Tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Ngày 07/07/2016, Viện KSND huyện quyết định đình chỉ vụ án. Theo ông Đại, đây là quyết định đình chỉ vụ án trái pháp luật nhằm tránh bồi thường oan sai cho ông.
Báo Dân Trí đã chuyển đơn của ông Trần Bá Đại đến Viện KSND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết.
Anh Thế - Trung Phương