3 phút cùng luật sư:

Kỳ thị người Hải Dương vì Covid-19, nhẹ phạt tiền, nặng có thể ngồi tù

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Việc kỳ thị người Hải Dương vì Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Thậm chí có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu kỳ thị nhiều lần.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hải Dương vẫn đang gồng mình chống lại dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh những hỗ trợ, động viên của nhà nước và người dân ở địa phương khác, vẫn có không ít cá nhân đăng tải thông tin mang tính kỳ thị, bôi nhọ người Hải Dương nói riêng và người dân ở một số tỉnh đang có dịch COVID-19 nói chung. 

Việc này sẽ được nhìn nhận thế nào? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Phan Vũ Tuấn, đến từ văn phòng Phanlaw Vietnam để cùng nghe luật sư giải đáp.

Kỳ thị người Hải Dương vì Covid-19 có vi phạm pháp luật không?

Thưa luật sư, hành động kỳ thị, bôi nhọ này có vi phạm pháp luật không? 

L.s Phan Vũ Tuấn: Trước tiên, cần khẳng định hành vi bôi nhọ người khác là hành vi xâm phạm vào quyền cơ bản của con người, quyền này đã được quy định trong Hiến pháp. Cụ thể, Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam quy định tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa... mọi người đều được bình đẳng với nhau. Mỗi người đều có quyền bí mật về đời tư, chống lại sự xâm phạm đời tư và có quyền được bảo vệ danh dự của mình.

Theo đó, tất cả những hành vi bôi nhọ, xâm phạm hay xúc phạm đến bí mật hoặc danh dự của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã có những quy định rất rõ ràng tại khoản 1 điều 34 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân là bất khả xâm phạm.

Ngoài ra, những người tại vùng dịch còn được bảo vệ bởi Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trong luật này không chỉ có những quy định về cách phòng chống bệnh truyền nhiễm mà còn có những quy định rất rõ ràng rằng không được phân biệt đối xử đối với những bị mắc bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, tại khoản 5 điều 8 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, quy định cấm phân biệt đối xử và đưa ra hình ảnh thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. 

Kỳ thị người Hải Dương có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí phạt tù

Khung hình phạt cụ thể dành cho các hành vi kỳ thị, bôi nhọ là gì thưa luật sư?

L.s Phan Vũ Tuấn: Trước tiên, cần phải hiểu vào thời buổi hiện tại, hầu hết các hành động kỳ thị diễn ra trên mạng và tạo ra một hành vi xâm phạm khác đó là vi phạm Luật An ninh mạng.

Cụ thể, tại điểm c khoản 1 điều 8 của Luật An ninh mạng và Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72 năm 2013, những hành động sử dụng công cụ là mạng Internet để thực hiện hành vi kỳ thị, bôi nhọ người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử phạt hình sự.

Các hành vi này có thể bị phạt tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 5 của Nghị định 167 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.

Hành vi này được quy định cụ thể là lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác dù người đó có phải là bệnh nhân Covid-19 hay không.

Kỳ thị người Hải Dương vì Covid-19, nhẹ phạt tiền, nặng có thể ngồi tù - 1

Luật sư Phan Vũ Tuấn tra đổi cùng PV Dân Trí

Nếu hành vi kỳ thị, xúc phạm này nghiêm trọng, hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo điều 155 Bộ luật Hình sự, hành vi này được xem là tội làm nhục người khác và có thể bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong trường hợp kỳ thị, bôi nhọ 2 người trở lên hoặc kỳ thị 1 người 2 lần trở lên thì có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 101 Nghị định số 15 năm 2020 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện, các tổ chức xúc phạm đến uy tín và danh dự của người khác có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng tiền mặt.

Hành vi này còn có thể khiến người khác bị thiệt hại nên sẽ phải bồi thường thiệt hại về dân sự theo quy định tại khoản 5 điều 34 của Bộ luật Dân sự nếu người bị xúc phạm khởi kiện.

Góc nhìn của luật sư Phan Vũ Tuấn về việc kỳ thị người Hải Dương

Ở góc độ cá nhân, luật sư có ý kiến thế nào về việc này?

L.s Phan Vũ Tuấn: Việc kỳ thị những người đến từ vùng dịch là phản khoa học và thể hiện sự thiếu hiểu biết về tư duy, đạo đức.

Điều chúng ta cần là lên án những người vô ý thức, cố ý lây lan bệnh dịch cho người khác. Còn những người không may bị nhiễm bệnh hoàn toàn không sai và không có nguyên nhân gì để kỳ thị họ.

Bên cạnh việc kỳ thị, có không ít sự đùa giỡn trên mạng khiến những người ở vùng dịch tổn thương mà tôi cho rằng chúng ta nên hạn chế đùa giỡn với những việc nghiêm trọng như vậy. 

Theo tôi, trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, sự đồng lòng và đoàn kết là điều quan trọng nhất.