Xúc phạm nhân phẩm, danh dự nghệ sĩ, antifan sẽ nhận hậu quả bất ngờ!

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Nếu xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, antifan có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc bị phạt tù đến 2 năm nếu nghiêm trọng.

Hiện tượng antifan đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt là lĩnh vực giải trí. Gần đây đã có những xôn xao về tranh cãi giữa các nghệ sĩ và antifan của mình như ca sĩ Hương Giang, ca sĩ Thủy Tiên đã lên tiếng sẽ khởi kiện antifan.

Dưới góc độ pháp lý, antifan liệu có vi phạm pháp luật? Mời bạn đọc cùng gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Chánh để tìm hiểu rõ hơn.

Antifan và quy định pháp luật

Luật sư có quan điểm gì về việc Antifan lên các trang mạng viết, hoặc những lời lẽ thô tục xúc phạm những người nổi tiếng? Đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Việc cá nhân thể hiện ý kiến hay quan điểm của mình về một cá nhân hay một sự việc xảy ra trong xã hội là quyền cá nhân của họ. Tuy nhiên, nếu cá nhân không chỉ dừng lại ở việc chỉ đưa ra ý kiến/nhận định mà có những hành vi xúc phạm, bôi nhọ uy tín danh dự nhân phẩm của người khác thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8; điểm a khoản 1 Điều 18 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 16 của Luật An ninh mạng (số 24/2018/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) thì hành vi sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin với nội dung “xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” hoặc “thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân” là hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng.

Những điều cần nắm rõ để có thể khởi kiện antifan

Đứng trước sức ép của antifan, Hương Giang và Thủy Tiên đã lên tiếng sẽ thực hiện khởi kiện antifan. Trên góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận thế nào về việc này?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Tùy vào cách những người antifan này đánh giá, bình luận sự việc như thế nào. Trong đó có thông tin nào sai sự thật, bịa đặt, xúc phạm danh dự nhân phẩm hay không. Nếu có, cơ quan pháp luật vào cuộc là việc hết sức bình thường.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2020), cá nhân có hành vi “cung cấp, chia sẽ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác” có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị xử lý hình sự với Tội làm nhục người khác theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Mức phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù đến 02 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể  bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xúc phạm nhân phẩm, danh dự nghệ sĩ, antifan sẽ nhận hậu quả bất ngờ! - 1

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng PV Dân Trí

Trong trường hợp người cung cấp, chia sẻ thông tin biết rõ thông tin mà họ cung cấp, chia sẻ là bịa đặt, sai sự thật nhưng vẫn cố ý sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để loan truyền nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩn danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hành vi này có thể bị xử lý hình sự với tội danh: Tội vu khống được quy định tại khoản 2 Điều 156 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Mức hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù đến 03 năm. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Từ những cơ sở đó mới có thể xác định được việc dọa kiện này có cơ sở hay không.  Nếu antifan chỉ đưa ra những ý kiến trái chiều và đánh giá bình thường thì không đủ dữ kiện và cơ sở để những nghệ sĩ kiện antifan của mình.