Bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể phải trả giá đắt!

(Dân trí) - Trong thời gian vừa qua, một số vụ việc tiêu biểu liên quan đến các hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội bị đưa ra khởi tố đã khiến người sử dụng mạng xã hội không khỏi hoang mang và cân nhắc hơn khi chia sẻ thông tin.

Cuối năm 2014, một nhóm mang tên “Tập đoàn thánh bóc” đã bị khởi tố về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân theo điều 258, Bộ Luật hình sự. Trang Facebook này đã liên tục đăng tải các bài viết với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xâm hại đời sống cá nhân của nhiều người nổi tiếng, tạo nên sự chấn động với giới showbiz bởi những thông tin không rõ đúng, sai.

Năm 2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) đã bắt giữ admin của trang Facebook “Tránh chốt CSGT Hải Phòng” để điều tra về hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”. Trang Facebook thường xuyên đăng tải các địa điểm chốt của CSGT để thông báo tài xế “tránh chốt” nếu vi phạm giao thông và nhiều video clip, hình ảnh kèm theo bình luận không đúng sự thật để chửi bới, xúc phạm công an Hải Phòng.


Hình ảnh lan truyền trên mạng xác định là thời điểm Trần Thị Hương Giang thuộc nhóm Tập đoàn thánh bóc bị bắt giữ tại nhà riêng.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xác định là thời điểm Trần Thị Hương Giang thuộc nhóm "Tập đoàn thánh bóc" bị bắt giữ tại nhà riêng.

Mới đây, Flamingo Đại Lải Resort - khu nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Vĩnh Phúc đã bị một số facebook ảo đăng các thông tin bôi xấu về chất lượng dịch vụ, thậm chí chạy quảng cáo để hạ bệ uy tín của chủ đầu tư. Mặc dù chưa đưa ra các thông tin chính thức nhưng chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng này cho biết họ đã đưa sự việc đến các cơ quan chức năng điều tra đối tượng đưa thông tin, làm rõ động cơ.

Qua những trường hợp trên, chúng ta thấy rằng sự bùng nổ của mạng xã hội đem đến nhiều lợi ích và không ít hệ lụy. Khi đã trở thành nạn nhân của những thông tin lan truyền, dù ít hay nhiều, cá nhân, tổ chức bị bôi xấu vẫn là phía chịu thiệt hại. Mạng “ảo” nhưng về luật pháp không còn là “ảo” nữa. Những thay đổi quan trọng trong hệ thống luật khiến người dùng mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý với những phát ngôn của mình.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ luật pháp, ông Trịnh Anh Dũng - Văn phòng Luật sư Trịnh đã giải đáp một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Theo luật sư Dũng:Trong đó, Khoản 1, Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường".

Theo quy định nêu trên, người nào do lỗi cố ý hay lỗi vô ý loan truyền trên mạng internet những thông tin vu khống, bôi xấu gây thiệt hại đến quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của cá nhân/tổ chức thì trong mọi trường hợp đều có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho cá nhân/tổ chức đó.

Hơn nữa, nếu có căn cứ chứng minh người đó cố ý loan truyền các thông tin vi phạm pháp luật nêu trên hoặc cố ý chia sẻ các thông tin không có căn cứ, không rõ nguồn gốc, thì tùy vào hậu quả thiệt hại của hành vi đưa các thông tin vi phạm lên mạng internet gây ra đối với tổ chức, cá nhân, người loan truyền các thông tin vi phạm có thể bị xử lý hành chính với số tiền phạt từ 10 đến 15 triệu đồng (quy định tại điểm a, khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP), hoặc nghiêm trọng hơn, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet" theo quy định tại Điều 226 Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009.


Luật sư Trịnh Anh Dũng: Bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Trịnh Anh Dũng: Bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự.

Trong trường hợp bị vu khống trên mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử, doanh nghiệp nên thu thập các bằng chứng về hành vi vi phạm, xác định người vi phạm và tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả của các hành vi vi phạm gây ra, đồng thời, đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xử căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.

Bộ luật hình sự năm 2015 (hiện đang tạm lùi thời gian áp dụng) đã có nhiều điều thay đổi theo hướng tăng cường xử lý tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, cụ thể, tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống đều có tình tiết tăng nặng mới là: sử dụng mạng máy tính, hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

1, Các hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội sẽ bị xử lý hình sự như thế nào?

Nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng tại Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:

“Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

“Điều 122. Tội vu khống

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với nhiều người;

d) Đối với ông bà, cha mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người thi hành công vụ;

e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

2, Cá nhân chia sẻ lại thông tin có bị xử phạt không?

Nếu có chứng cứ chứng minh cá nhân chia sẻ lại thông tin đã: “loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” thì hành vi này cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3, Cá nhân hoặc tổ chức nên làm gì khi bị bôi xấu, vu khống trên mạng xã hội?

Khi bị vu khống trên mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử, doanh nghiệp nên thu thập các bằng chứng về hành vi vi phạm, xác định người phạm tội và tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật hình sự năm 2015 (hiện đang tạm lùi thời gian áp dụng) đã có nhiều điều thay đổi theo hướng tăng cường xử lý tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, cụ thể, tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống đều có tình tiết tăng nặng mới là: sử dụng mạng máy tính, hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội’.

Lan Hương