Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Không thể coi cầu Long Biên như cây cầu cũ, hỏng

(Dân trí) - “Cầu Long Biên là biểu tượng đẹp trong tâm thức người dân Việt Nam, là lịch sử hơn 100 năm của dân tộc nên không thể ứng xử chỉ đơn giản như một công trình giao thông, một cây cầu cũ hỏng…” - Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.

Như đã thông tin Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

Ông có ý kiến gì về việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên?

Được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, cầu Long Biên là nhân chứng sống của lịch sử dân tộc. Từng chịu sự tàn phá tàn khốc trong 2 cuộc chiến tranh, sự hủy hoại của thiên nhiên nên đến nay cầu Long Biên đang xuống cấp nghiêm trọng, để đảm bảo cho việc lưu thông thì sửa chữa, cải tạo và xây dựng cầu đường sắt mới là giải pháp khắc phục vô cùng cần thiết.
 
Không thể coi cầu Long Biên như cây cầu cũ, hỏng - 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Không thể ứng xử với cầu Long Biên như một cây cầu cũ hỏng"

Nhưng có nên dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên?

Vấn đề ở đây là các đơn vị có trách nhiệm đưa ra giải pháp tổng thể, còn việc dỡ bỏ hay không hệ thống đường ray trên cầu thì không có gì quá ghê gớm.

Cầu Long Biên đang xuống cấp nghiêm trọng nên sửa chữa cầu Long Biên sẽ đảm bảo an toàn giao thông trên cầu, đảm bảo thông thủy, giải quyết các mố cầu cũ hỏng, giải pháp công nghệ… Do đó, khi sửa cầu thì đường sắt phải dỡ bỏ là điều chắc chắn.

Dỡ bỏ đường sắt liệu có ảnh hưởng gì đến văn hóa và lịch sử cầu Long Biên không thưa ông?

Cho đến thời điểm này cầu Long Biên của Việt Nam chưa từng được công nhận là di tích, không phải là một di sản đã được đăng ký, nhưng hơn 100 năm qua mọi người luôn gắn bó, yêu quý cây cầu và mong muốn cầu Long Biên sẽ mãi mãi tồn tại.

Long Biên không phải là cây cầu đơn thuần mà là lịch sử hơn 100 năm của dân tộc. Cầu Long Biên giống như tháp Eiffel nghiêng mình bên dòng sông Hồng, là biểu tượng đẹp trong tâm thức của người dân Việt Nam.

Vì vậy, liên quan đến vấn đề này, các cơ quan có trách nhiệm nên quan tâm và cân nhắc kỹ nhiều mặt chứ không thể ứng xử với cầu Long Biên chỉ đơn gian như một công trình giao thông, như một cây cầu cũ hỏng…

Theo ông, nên ứng xử và khai thác cầu Long Biên như thế nào cho phù hợp?

Tháo dỡ cầu để sửa chữa là việc cần thiết nhưng sẽ lắp lại và định sử dụng cầu như thế nào là việc quan trọng. Theo tôi, nên chú ý đến những dấu tích văn hóa, lịch sử của cầu Long Biên, cố gắng giữ lại hình hài của cầu Long Biên và mở rộng thành 1 cây cầu đi bộ, đó là điều thiết thực và gắn liền với dân sinh.

Có nhiều cách để bảo tồn văn hóa và lịch sử cầu Long Biên. Tôi còn nhớ nhà văn Nguyễn Tuân đã nói rằng có một ngày nào ngồi trên cầu Long Biên uống tách cà phê và ngắm nhìn Hà Nội. Còn với riêng tôi, tôi nghĩ sau này có thể dành 1 không gian trên cầu để xây dựng thành bảo tàng, khu triển lãm; cũng có thể để lại đường ray tàu để tái hiện lịch sử và làm thức dậy ký ức cầu Long Biên...

Tôi mong muốn các cơ quan chức năng có sự trao đổi kỹ lưỡng, có tiếng nói chung của nhiều ngành nghề để cầu Long Biên sẽ phục vụ tốt nhất cho vấn đề dân sinh mà vẫn lưu giữ được những dấu tích văn hóa và lịch sử.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)